Bà Caitlin Wiesen, quyền Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) tại Việt Nam. (Ảnh: VGP)
Tham dự và phát biểu tại Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" sáng nay (20/8) tại Trụ sở Chính phủ, bà Caitlin Wiesen, quyền Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) tại Việt Nam bày tỏ: UNDP cảm ơn những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong bảo vệ sức khỏe của người lao động trong thời điểm đại dịch COVID-19. Đặc biệt, với việc triển khai tiêm vaccine nhanh chóng đã giúp cho các ngành nghề, du lịch sớm mở cửa trở lại và hồi phục kinh tế. Đây đều là những tín hiệu tích cực cho thị trường lao động Việt Nam.
Từ phía Liên Hợp Quốc (LHQ), chúng tôi muốn tập trung đề cập đến tăng cường phúc lợi cho người lao động. Chúng tôi thấy, cơ chế BHXH vẫn còn một số hạn chế vì những người làm việc trong các doanh nghiệp không chính thức chiếm đến 80% lại không tham gia tình nguyện vào cơ chế BHXH. Điều này do một số yếu tố có thể do thiếu hợp đồng lao động chính thức hoặc không đăng ký chính thức trong hệ thống BHXH.
Mặt khác, lao động trong các hộ kinh doanh nhỏ, trong lĩnh vực nông nghiệp không bị bắt buộc đăng ký vào cơ chế BHXH. Qua đó cho thấy, những chính sách phát triển thị trường lao động còn thiếu chính sách bảo vệ cần thiết cho người lao động đối với những khủng hoảng lớn như COVID-19, chúng ta thấy nhiều người dân vật lộn với sinh kế của mình ở lĩnh vực xây dựng, thủy sản… Họ không tìm được cơ hội việc làm khác. Hay những người làm trong lĩnh vực dịch vụ như lái xe, buôn bán lẻ hoặc những ngành nghề liên quan không được liệt kê trong những cơ chế bảo hộ.
Chúng ta còn thiếu biện pháp để bảo vệ hiệu quả cho các nhóm bị tổn thương ngoài các biện pháp đã có như bảo hiểm thất nghiệp hay những trung tâm dịch vụ cộng đồng. Vì biện pháp hiện có chưa có chức năng trung gian giúp người lao động tìm việc mới, tìm việc thay thế trong bối cảnh khủng hoảng. Những cơ chế tiếp cận các dịch vụ khi bị thất nghiệp cũng chưa phát huy được hiệu quả. Chúng ta biết rằng, phần lớn lao động Việt Nam đang làm việc cho những doanh nghiệp không chính thức. Có dưới 1/4 lao động Việt Nam hiện nay có hợp đồng lao động chính thức và nhiều người làm việc không có đăng ký, không có hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam đã hỗ trợ cho lao động tuổi cao hoặc trong một số ngành nghề khác.
UNDP muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của Chính phủ trong việc phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực cung cấp việc làm linh hoạt, hiện đại cũng như có những biện pháp bảo vệ hiệu quả nhằm ứng phó với những cú sốc từ bên ngoài trong những giai đoạn nền kinh tế gặp khủng hoảng lớn.
UNDP có 5 khuyến nghị:
- Về lao động: Có những chính sách tạo việc làm mới cũng như chuyển dịch lao động nhằm bảo vệ các nhóm bị tổn thương như người khuyết tật, dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em. Tạo thêm cơ hội cho lao động nữ, đặc biệt trong khu vực công vì phụ nữ hiện nay vẫn đang làm ở lĩnh vực có thu nhập thấp.
- Đối với đầu tư công, thúc đẩy và tạo ra việc làm mới, đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo sẽ mang lại lợi ích trong ngắn hạn và dài hạn.
- Đào tạo nghề, đào tạo suốt đời mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội. Nên xây dựng thêm các Trung tâm đào tạo nghề để đáp ứng những nhu cầu mới trong lĩnh vực công nghiệp, đồng thời nên mời gọi các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo.
- Thu hẹp khoảng cách về giới, hỗ trợ thêm những chương trình bảo hiểm bởi đây là chương trình đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ cho phụ nữ hoặc nam giới tạm thời nghỉ việc để chăm lo gia đình; có gói hỗ trợ cho người khuyết tật, dân tộc thiểu số…
- Cần hỗ trợ cho những hộ gia đình dễ bị tổn thương trong khủng hoảng kinh tế hoặc chịu những cú sốc từ bên ngoài trong trường hợp họ tạm thời giúp việc, giúp duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững.
Chúng tôi tái khẳng định cam kết của Liên Hợp Quốc tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ với Chính phủ Việt Nam, qua đó hiện thực hóa tầm nhìn, trong đó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra thông điệp thúc đẩy nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa nhưng không hy sinh lợi ích và phúc lợi của người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!