Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 đã kết thúc ngày 17/11 tại Hà Nội với những đóng góp giá trị từ các chuyên gia và nhà phân tích việc hoạch định chính sách về vấn đề Biển Đông.
Hội thảo đề cập thẳng thắn những khía cạnh mới trong vấn đề Biển Đông như xây dựng các quy tắc ứng xử để tránh va chạm tại Biển Đông; vai trò của ASEAN với tầm nhìn sau năm 2025 hay triển vọng đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn với các Đại sứ, chuyên gia, học giả dự Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 12. Ảnh: TTXVN
Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, sẽ không có điều chỉnh chiến lược lớn của các nước liên quan về vấn đề Biển Đông trong giai đoạn tới. Điều quan trọng là phải xác lập chiến lược chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông giai đoạn sau năm 2025, trong tình hình cạnh tranh nước lớn ở khu vực vẫn căng thẳng.
Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến về việc cần sớm thiết lập một bộ quy tắc ứng xử để tránh các vụ đụng độ không lường trước ở Biển Đông.
Một điểm mới của hội thảo năm nay là cuộc tranh luận về việc nhiều quốc gia ven biển Đông đã làm rõ lập trường pháp lý thông qua các công hàm được trao đổi tại Liên Hợp Quốc. Cuộc tranh luận bằng công hàm là cách đấu tranh chính thức, hòa bình và mang lại sự minh bạch.
Xây dựng lòng tin, mở rộng hợp tác, thu hẹp bất đồng, kiểm soát và giải quyết hòa bình các tranh chấp là những giải pháp chủ yếu để biến Biển Đông thành khu vực hợp tác thay vì cạnh tranh và đối đầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!