Vì sao tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp?

Tạ Hiển-Thứ hai, ngày 25/10/2021 17:15 GMT+7

VTV.vn - Một trong những vấn đề nóng trên nghị trường Quốc hội là việc thu hồi tài sản tham nhũng dù quyết tâm nhưng chưa tương xứng, một phần nguyên nhân là bất cập về pháp luật.

Mới thu được 4 nghìn tỷ/72 nghìn tỷ đồng từ các vụ tham nhũng

Theo báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, tổng số tiền đã thu được trong các vụ án tham nhũng, kinh tế là khoảng 4 nghìn tỷ đồng, đang tổ chức thi hành trên 34 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, gần đây, VKSND tối cao đã tham dự phiên điều trần trực tuyến của Tòa án Singapore thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản trong vụ án Phan Sào Nam, kết quả, đã thu hồi được hơn 2,6 triệu USD. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có việc thu tiền thi hành án từ nước ngoài.

Tuy nhiên, so với tổng số tiền phải thi hành là trên 72 nghìn tỷ đồng thì tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn ở mức thấp, chưa được như mong muốn. Hàng nghìn tỷ đồng ở các vụ án tham nhũng không được thu hồi cũng đồng nghĩa với việc hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước, của nhân dân đã bị mất đi.

Vì sao tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp? - Ảnh 1.

Vụ "đại án" kinh tế Huỳnh Thị Huyền Như, tòa tuyên án bị cáo phải sung công 9.000 tỷ đồng, nhưng qua thẩm tra, thẩm định chỉ thu về cho Nhà nước được hơn 5% số tiền này là 500 tỷ đồng

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do bất cập trong hành lang pháp lý liên quan.

Ngày 2/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế. Chỉ thị đã nêu rõ yêu cầu mang tính đột phá là phải xây dựng "cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội".

... Rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội; cơ chế xử lý tài sản bị kê biên, phong toả; sớm khắc phục những bất cập, vướng mắc trong kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp.

Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế

Trong 2 ngày thảo luận về các báo cáo về công tác tư pháp và phòng chống tham nhũng tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến về xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm ngăn chặn triệt để việc tẩu tán tài sản, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng, vi phạm kinh tế.

Đại biểu Lã Thanh Tân (TP Hải Phòng) đánh giá, việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng là vấn đề đang được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Chỉ thị số 04 là cơ sở chính trị quan trọng, thay đổi rất lớn nhận thức đối với việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

"Các cơ quan tiền tố tụng, cơ quan tố tụng cần phải vào cuộc và kịp thời áp dụng biện pháp cần thiết, như thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Đây là tiền đề quan trọng để thi hành án đạt kết quả" – đại biểu TP Hải Phòng nhấn mạnh.

Ông Lã Thanh Tân đề nghị nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định của Luật Thi hành án dân sự đối với trường hợp ủy thác xử lý tài sản khi người phải thi hành án có tài sản ở nhiều địa phương khác nhau, để rút ngắn thời gian và xử lý hiệu quả tài sản thi hành án, nhất là trong trường hợp thu hồi tiền và tài sản cho ngân sách nhà nước trong các vụ án tham nhũng kinh tế.

Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cũng cho rằng, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng kinh tế chỉ đạt 5% là quá khiêm tốn.

"Thực tế các cơ quan chức năng, các cơ quan tiến hành tố tụng có làm tốt đến bao nhiêu kể từ khi phát hiện đến khi thực hiện các quy trình điều tra, truy tố, xét xử và bản án có nghiêm minh đến đâu nhưng việc thi hành không đạt hiệu quả, kết quả đạt được thấp, nhất là việc truy thu lại cho ngân sách nhà nước không đạt thì cũng chưa thực sự đạt được đầy đủ mục tiêu, hiệu quả hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm và đáp ứng được yêu cầu kỳ vọng của nhân dân và cử tri đặt ra" – ĐBQH đoàn Đà Nẵng chia sẻ.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, đặc biệt là việc tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thi hành các bản án kinh tế, tham nhũng về tài sản là đất công, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và quyền lợi của người thứ ba ngay tình (người thứ ba ngay tình được hiểu là người chiếm hữu không có căn cứ pháp lý đối với tài sản nhưng không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật – nv).

Cũng về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị cơ quan thẩm quyền sớm ban hành các quy định cụ thể về kiểm soát tài sản, thu nhập của công chức, viên chức, người đứng đầu nhằm khắc phục hạn chế công tác này trong thực tế, vì khi sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng rất khó xử lý đúng quy định của pháp luật, dẫn đến tài sản tham nhũng thu hồi thấp do vướng về mặt pháp lý.

Bản án có nghiêm minh đến đâu nhưng việc thi hành không đạt hiệu quả, truy thu ngân sách nhà nước không đạt thì cũng chưa đạt được đầy đủ mục tiêu...

Ông Trần Chí Cường (ĐBQH TP Đà Nẵng)

Vì sao tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp? - Ảnh 4.

Đại biểu Trần Chí Cường, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng phát biểu thảo luận trực tuyến. Ảnh: TTXVN

Người phạm tội hưởng quyền bất khả xâm phạm về tài sản là kẽ hở của pháp luật

Bất cập pháp luật về kê biên tài sản cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác thu hồi tài sản tham nhũng, nhất là các vụ đại án đạt rất thấp. Đây là nhận định của đại biểu Thạch Phước Bình (tỉnh Trà Vinh).

Đại biểu phân tích, theo Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015:

1. Kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại.

Theo đó, việc kê biên tài sản chỉ được áp dụng khi nào đối tượng bị khởi tố bị can hoặc bị đưa đi xét xử, còn trước đó, dù đối tượng bị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kể cả trong thời gian khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can cũng đều được miễn trừ trách nhiệm.

"Người phạm tội được hưởng quyền bất khả xâm phạm về tài sản sở hữu chính là kẽ hở của pháp luật, vô hình trung biến thành quãng thời gian vàng giúp cho tội phạm có điều kiện tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản phạm tội mà có. Thực tế, thời gian qua, rất nhiều vụ án tham nhũng, đại án kinh tế hàng ngàn tỉ bị thất thoát, chiếm dụng nhưng không được thu hồi bởi tài sản này đã bị sang tên cho người khác trong gia đình. Sự chậm trễ hoặc bỏ qua việc kê biên tài sản trong giai đoạn điều tra, truy tố là nguyên nhân dẫn đến nhiều đại án khó thu hồi tài sản phạm pháp" – ông Thạch Phước Bình nhấn mạnh.

ĐBQH tỉnh Trà Vinh cũng chỉ ra ở khoản 3 Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:

3. Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại...

Điều này lại làm khó cơ quan tố tụng vì nội hàm rất trừu tượng, ngay từ "có thể" được hiểu là phụ thuộc vào tương lai, chưa khẳng định bị can, bị cáo có bị kết tội sẽ bị áp dụng chế tài dân sự bằng hình thức nào. Càng khó hơn khi vận dụng cụm từ "chỉ kê biên phần tài sản tương ứng", được hiểu là giá trị của tài sản bị kê biên phải bảo đảm ngang bằng với mức hình phạt bị can, bị cáo có thể bị áp dụng khi kết án.

Ông Thạch Phước Bình cho biết, tài sản bị tội phạm chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng là đặc biệt lớn, đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, người có chuyên môn, nghiệp vụ nên thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau để che giấu hành vi phạm tội, che giấu nguồn gốc hình thành tài sản do phạm tội mà có, che giấu đường đi của dòng tiền và việc sử dụng tiền nên rất khó phát hiện, thu hồi.

Vì sao tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp? - Ảnh 7.

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh)

Đại biểu nêu ra một số giải pháp để khắc phục những bất cập trên như sau:

- Cần phải xem xét, hoàn thiện các quy định liên quan đến thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt thông qua thủ tục kết tội, có nghĩa việc kê biên tài sản bảo đảm thi hành án, không phải chờ đến khi khởi tố bị can, đến khi phiên tòa diễn ra mà có thể vận dụng linh hoạt ở bất cứ giai đoạn nào, kể từ khi tiếp nhận tin báo tội phạm cho đến khi khởi tố vụ án, điều tra, truy tố và xét xử. Không chỉ dừng lại ở các cơ quan tố tụng mà mở rộng phạm vi thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn đến các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán khi phát hiện có dấu hiệu phạm tội tham nhũng kinh tế.

- Cần sửa đổi, bổ sung hoặc có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với nội hàm cụm từ "chỉ kê biên bán tài sản tương ứng", quy định tại khoản 3 Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo hướng dễ vận dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan tố tụng tăng cường áp dụng kịp thời biện pháp ngăn chặn ngay từ giai đoạn điều tra. Tháo gỡ vướng mắc trong trường hợp này, nên chăng điều chỉnh cơ quan có thẩm quyền được ước tính giá trị tài sản, được kê biên tương ứng với mức bị cáo có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại trong khung sai số cho phép tối đa.

Còn khoảng trống rất lớn về kiểm soát tài sản cá nhân

Giải trình, làm rõ vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, ông Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thẳng thắn cho biết: "Những năm gần đây chúng ta có làm tốt hơn, có chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên, so với yêu cầu chúng ta cảm thấy vẫn chưa hài lòng. Bởi vì rõ ràng số mất với số lấy lại nó vẫn chưa tương xứng. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là kể cả chúng ta có quyết tâm kê biên, rồi thu hồi thì cũng phải theo luật hiện hành. Không phải lúc nào chúng ta cũng niêm phong, cũng kê biên được hết, khi mà chúng ta còn phải chịu trách nhiệm bồi thường nhà nước. Nếu chúng ta kê biên, niêm phong không đúng thì người ta có quyền khởi kiện. Cho nên, làm thì khẩn trương, quyết tâm chính trị nhưng cũng phải chặt chẽ và chính xác".

Vì sao tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp? - Ảnh 8.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ngày 24/10. Ảnh: TTXVN

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị phải tiếp tục cần rà soát để tiếp tục hoàn chỉnh và hoàn thiện hệ thống pháp luật bởi hiện nay "không phải dễ gì cứ muốn thu là thu", đồng thời đề xuất 2 việc.

Ông Lê Minh Trí đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét để đưa vấn đề xây dựng luật đăng ký tài sản vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội. Hiện nay, chúng ta chỉ mới có kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị. Nhưng tài sản đối tượng ngoài xã hội đang đứng tên, chiếm, sở hữu mà có thể nó là hợp pháp hay không hợp pháp thì còn bỏ một khoảng trống rất lớn ở ngoài xã hội.

"Nếu chưa có luật đăng ký tài sản thì tài sản tham nhũng mà các đối tượng có thủ đoạn che dấu, ẩn nấp ở ngoài xã hội, nhờ người khác đứng tên như xe ô tô, nhà đất... chúng ta không đụng vào được. Mặc dù, biết khi không giải trình được nguồn gốc thì tài sản bất minh, nhưng chúng ta cũng không thu hồi được. Nên không có luật thì lỗ trống đó vẫn còn hết sức khó khăn" - ông Trí nói.

Nếu chưa có luật đăng ký tài sản thì tài sản tham nhũng che dấu, ẩn nấp, nhờ người khác đứng tên như ô tô, nhà đất... chúng ta không đụng vào được.

Ông Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Thứ hai, Viện trưởng kiến nghị Chính phủ nên có một lộ trình cho việc hạn chế sử dụng tiền mặt ở mức độ ngày càng tốt nhất, đặc biệt trong xu thế hiện nay đang áp dụng trực tuyến để thanh toán, không qua ngân hàng. Việc này càng đẩy mạnh hơn nữa để góp phần cho chuyện thu hồi tài sản và minh bạch. Các hoạt động kinh tế phải minh bạch thì chống tham nhũng, thu hồi tài sản mới tốt được.

"Nếu chúng ta hiện nay quyết tâm chính trị nhưng vừa làm, vừa lo, không thu thì không được, nhưng thu không đúng luật người ta kiện. Ngay thụ lý tin báo, tố giác tội phạm, muốn đụng vào là khó chứ không phải đơn giản. Thanh tra, kiểm tra nói kê biên, nhưng kê không đúng thì người ta kiện, mà bây giờ đúng hay không thì phải xác minh, mà trong quá trình xác minh thì họ tẩu tán mất rồi. Cho nên, việc này cũng có lẽ phải giải quyết bằng nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó có biện pháp căn cơ là pháp luật, để chúng ta có thể thu hồi tốt hơn" – Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh.

Chỉ thị 04 của Ban Bí thư là một tuyên ngôn rất mạnh mẽ của Đảng trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Thời gian tới, hy vọng các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý để ngăn chặn triệt để việc tẩu tán tài sản, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng, tránh tình trạng tài sản tham nhũng tẩu tán được cũng giúp cho đời con, cháu được "ngồi mát, ăn bát vàng".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước