Đại dịch làm nhận diện rõ những điểm yếu của y tế, giáo dục
Phát biểu cuối phiên thảo luận của Quốc hội chiều 28/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại câu chuyện hơn một năm trước, khi tình hình dịch bệnh rất căng thẳng, chúng ta đã mạnh dạn thực hiện với cơ sở khoa học việc chuyển hướng chiến lược, thích ứng linh hoạt. Chúng ta tiếp cận được vaccine để khẩn trương đạt được những kết quả toàn diện, về tăng trưởng kinh tế vĩ mô cũng như duy trì tốt an sinh xã hội, có bước tiến bộ trong vấn đề này.
"Chúng ta luôn nằm trong top đầu thế giới về các chỉ số phục hồi sau dịch COVID-19. Đến nay, thế giới chưa công bố hết dịch, và chúng ta cũng vậy. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt, đặc biệt là vaccine, chúng ta có tâm thế tự tin hơn để mạnh mẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt để tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn, lấy lại hai năm đã mất" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đã tiêm 260 triệu liều vaccine, nằm ở top đầu thế giới về mức độ bao phủ vaccine tăng cường. Tuy nhiên, đại dịch không chỉ cướp đi sinh mạng, mà còn gây khó khăn, bất cập cho hệ thống giáo dục, y tế, an sinh xã hội, hệ thống kinh tế, làm nhận diện rõ hơn những điểm yếu của các ngành này, tương tự như các nước khác.
Theo Phó Thủ tướng đánh giá ngành y tế và giáo dục có mức phát triển và hiệu quả sử dụng nguồn lực cao hơn rõ rệt so với các nước cùng trình độ phát triển kinh tế. Ngành y tế, giáo dục phải cân đối, đảm bảo giữa kỳ vọng của người dân, chuyên môn và khả năng của nền kinh tế.
"Y tế, giáo dục, văn hóa là những ngành trước mắt không làm ra tiền. Thành tích không thấy được ngay, muốn có thành tích cũng phải nhiều năm, bất cập nhiều năm mới bộc lộ và khi bộc lộ cũng mất nhiều năm mới khắc phục được" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Phải thực sự để y tế, giáo dục ngoài công lập phát triển
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng y tế và giáo dục Việt Nam có nhiều điểm khác biệt với các nước trên thế giới. Theo Phó Thủ tướng, người dân đòi hỏi sự công bằng và chất lượng y tế giáo dục cao và có nhiều góp ý. Tuy nhiên so với các nước phát triển không phải đầu tư cơ sở hạ tầng, chúng ta dành 30% ngân sách chi cho đầu tư hạ tầng nên năng lực của chúng ta không bằng. Thu nhập người dân thấp hơn nên chi trả không như các nước.
Tiếp đó là vấn đề biên chế, giáo dục và y tế chiếm đại đa số trong tổng số 2 triệu biên chế. Chúng ta không có năng lực trả lương cao như các nước khác.
"Chúng ta phải đồng bộ rất nhiều, phát triển nhanh hơn. Sau đó phải thực sự để y tế, giáo dục ngoài công lập phát triển…Đẩy mạnh hơn nữa tự chủ đại học và có cơ chế để giáo viên không sử dụng lương từ ngân sách nhà nước mà có thể từ học phí của những đối tượng sẵn sàng chi trả" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ý kiến.
Đối với ngành y tế, Phó Thủ tướng cho biết cần phải tăng bảo hiểm y tế, người dân đóng góp 1 phần và ngân sách nhà nước cần dành thêm. Hiện nay bảo hiểm y tế của Việt Nam có mệnh giá bằng 1/10 đến 1/30 của các nước phát triển.
Về vấn đề tự chủ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đã có kinh nghiệm đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, sau 30 năm đã giảm từ 10.000 doanh nghiệp Nhà nước xuống còn dưới 1.000, và có đến hơn 700.000 doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Các đơn vị sự nghiệp về cơ bản không giảm về biên chế. Phó Thủ tướng nêu rõ, vấn đề đặt ra là phải quản trị tốt các đơn vị sự nghiệp này, trong đó chủ yếu là trường học, bệnh viện.
Hiện nay, chúng ta đang có cách làm khác so với thế giới, và thực tế đã chỉ ra rằng, cách làm của thế giới là đáng học tập: quản trị bệnh viện và trường học là xuất phát từ yêu cầu chuyên môn, phát huy tính chủ động, sáng tạo từ cơ sở, từ đó được quyền tự chủ về bộ máy, về nhân sự, về đầu tư, về thu chi. Vì chúng ta thiếu kinh phí, nên đã lấy tài chính làm yếu tố đầu tiên, nếu lo hết được chi đầu tư và chi thường xuyên thì mới cho tự chủ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết các cơ quan chức năng sẽ tiếp thu đầy đủ, rà soát lại hệ thống pháp luật để có sự đổi mới căn bản hơn.
"Đây là những vấn đề rất lớn, trong lúc khó khăn mới bộc lộ ra nhưng cũng thấy được sự thuận lợi. Chúng ta đã nhận ra, nhìn rõ các bất cập. Tôi rất mong những vấn đề này sẽ được giải quyết, nỗ lực trong một thời gian dài mới có thể khắc phục được triệt để" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Khắc phục điểm nghẽn trong hoạt động của các bệnh viện công
Trước đó, liên quan đến vấn đề tự chủ trong ngành y tế, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện nay cần triển khai các giải pháp để khắc phục điểm nghẽn trong hoạt động của các bệnh viện công.
Theo đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh, các bệnh viện hoạt động trong điều kiện cơ chế thị trường nhưng có nhiều quyết định hiện nay không phù hợp với thực tế và trái cơ chế thị trường. Ví dụ, hiện nay đã có Nghị định 85 năm 2012 xác định từ năm 2018 trở đi, giá dịch vụ phải phản ánh đầy đủ 7 loại chi phí nhưng đến nay vẫn chỉ có 4 loại, còn 3 loại chi phí chưa có. Do đó, đề nghị khẩn trương bổ sung hoặc giao cho cơ sở xây dựng đủ 7 loại chi phí này.
Về đấu thầu, tại Thông tư 15 năm 2019 quy định giá đấu được của năm nay không cao hơn giá đấu thầu của năm ngoái, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng quy định này rất phi thị trường. Lý giải về quan điểm trên, đại biểu cho biết giá phụ thuộc vào thị trường, giá vật tư tăng thì các yếu tố khác cũng tăng. Do đó đề nghị quy định giá đấu thấu thời điểm nào là do thị trường thời điểm đó quyết định.
Mặt khác, đại biểu cho rằng Nhà nước phải khẳng định trách nhiệm của mình đầu tư cho các bệnh viện. Theo đại biểu, hầu hết các bệnh viện tham gia tự chủ là tự chủ chi phí thường xuyên chứ không phải tự chủ chi phí đầu tư.
Tuy nhiên, đến nay hầu như không bố trí ngân sách cho các bệnh viện tự chủ chi thường xuyên có kinh phí đầu tư, không có kinh phí đầu tư không mua được máy móc thiết bị mới cho nên buộc phải thuê máy, đặt máy để làm dịch vụ.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cho các bệnh viện tiếp tục được thuê máy, đặt máy đến khi có kinh phí đầu tư để việc hoạt động không bị gián đoạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!