Chiếc khung thêu được chị Thủy (xã Phú Nghiêm) giữ lại sau khi hoàn thành chương trình học nghề thêu ren do huyện Quan Hóa, Thanh Hóa tổ chức. Tin vào lời hứa sẽ có một công việc ổn định, thậm chí được giao nguyên liệu về tận nhà làm rồi xuất khẩu hàng sang nước ngoài, 35 chiếc khung thêu của 35 học viên xã Phú Nghiêm vẫn mòn mỏi chờ đợi trong suốt hơn 1 năm qua, thế nhưng càng chờ đợi càng vô vọng.
Phần lớn thời gian học hàn bị cắt bớt, nên anh Nghuê (xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa) cũng chẳng thể mở xưởng cơ khí, hay xin vào những công ty xây dựng như kỳ vọng trước khi đi học.
Chương trình học bị cắt ngắn, tiền bồi dưỡng của học viên cũng bị bớt xén. Thế nhưng giáo viên lại nhận đủ số tiền lên lớp, không những thế còn điểm danh và ký thay học viên để hợp thức hóa hồ sơ.
Trong 10 năm qua, huyện Quan Hóa đã tổ chức 145 lớp học nghề với sự tham gia của hơn 6.000 lao động. Trong báo cáo tổng kết, đơn vị này cũng thừa nhận chất lượng đào tạo còn hạn chế. Việc đào tạo nghề chưa gắn với thực tế và nhu cầu, số lao động chưa có việc làm ổn định và thiếu tính bền vững. Công tác đào tạo nghề còn một số bất cập.
Trong 4 năm gần đây, huyện Quan Hóa đã được Trung ương hỗ trợ số tiền gần 1,7 tỷ đồng cho đề án 1956, tất cả đều đã được chuyển cho các đơn vị ký hợp đồng đào tạo nghề với UBND huyện Quan Hóa và được sử dụng hết. Số tiền này thực tế đã đi đâu, câu trả lời vẫn đang được đoàn thanh tra của UBND huyện Quan hóa làm sáng tỏ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!