"Tôi thực sự xin lỗi" là lời bộc bạch đầu tiên Mark Zuckerberg, ông chủ của đế chế Facebook khi lần đầu tiên đối diện với cơn bão truyền thông mang tên Cambridge Analytica một cách công khai. Sau đây là cuộc phỏng vấn độc quyền của CNN với Mark Zuckerberg.
Mark Zuckerberg thừa nhận mạng xã hội này có đầy đủ thông tin về những ứng dụng đòi quyền truy cập bất thường vào thông tin người dùng để điều tra, trước khi đưa ra những động thái nhằm "vá lỗ hổng" lòng tin.
Trong cuộc phỏng vấn, Mark Zuckerberg cũng cho biết sẵn sàng điều trần trước Quốc hội Mỹ nếu cần thiết và để ngỏ khả năng để luật pháp can thiệp vào cách thức vận hành của họ.
Người dùng có hoàn toàn vô can?
Đã bao nhiêu lần bạn nhìn thấy những thông báo như:
- "Bạn sẽ cho phép ứng dụng A tiếp cận với các thông tin cá nhân cơ bản?"
- "Bạn có đồng ý với mọi điều khoản truy cập vào trang web B?"
Hay "Bạn có chấp thuận cung cấp thông tin về vị trí của mình hay không?
Những dòng chữ nhỏ này dễ khiến nhiều người bỏ qua và vội vã bấm "đồng ý" để được quyền truy cập. Đó là chưa kể việc mỗi khi đăng ký với một nền tảng, người dùng đều phải cung cấp những thông tin cơ bản nhất như tên, ngày tháng năm sinh và những dữ liệu cá nhân phục vụ mục đích bảo mật.
Google, Facebook hay Twitter không thiếu thủ thuật để biến việc chấp nhận các điều khoản dịch vụ phức tạp nhìn chẳng khác gì một quyết định vô tư, không mất thời gian suy nghĩ. Tuy nhiên, đó cũng là điều khoản ràng buộc người dùng với việc đồng ý giao ra thông tin cá nhân cho các công ty công nghệ và nền tảng trên Internet. Dĩ nhiên, một khi bước vào thoả thuận này, người dùng cũng đồng thời chấp nhận việc bị chi phối bởi các thông tin dù muốn hay không.
Thông tin cá nhân của người dùng công nghệ dễ bị chi phối như thế nào?
Không có bữa ăn nào là miễn phí. Điều đó đúng cả với nền tảng Facebook, ngay cả khi trang chủ của nó luôn quảng cáo "Miễn phí cho việc lập tài khoản và sẽ luôn là như thế."
Bởi thực tế, người dùng vẫn có thể bị "dụ" cung cấp thông tin như là một loại phí để đổi lấy sự tiện lợi trên Internet. Sau đó, rất khó để biết lượng thông tin này được dùng như thế nào. Từ thói quen, kết quả tìm kiếm, sở thích, thậm chí là bình luận... đều có thể trở thành "món hàng" được bán cho các nhà quảng cáo để tiếp cận gián tiếp với họ.
Facebook không đơn độc. Hầu hết các nhà kinh doanh dịch vụ trực tuyến lớn như Google, Microsoft, Yahoo, AOL, Amazon, Twitter và Yelp cũng làm như vậy. Thậm chí, Facebook và Google kiểm soát 3/4 thị trường quảng cáo số trị giá 83 tỷ USD chỉ riêng tại Mỹ.
Tất nhiên, các công ty cũng có những quy định riêng, điều khoản riêng để người dùng không cảm thấy mình bị lợi dụng nhưng phần lớn hoạt động trao đổi thông tin này không thể tránh khỏi.
Trong một bê bối lớn như của Facebook, người dùng phản ứng theo nhiều cách. Căng thẳng thì đòi tẩy chay và xóa bỏ tài khoản Facebook. Số khác chưa sẵn sàng từ bỏ ngay cuộc sống Facebook lại chọn cách tin vào cách gõ từ BFF để chắc chắn mình không bị lấy mất thông tin? Dĩ nhiên cách này không hiệu quả và cũng chẳng có thực.
Facebook hay bất kỳ nền tảng Internet nào sẽ phải nghiêm túc hơn khi nghĩ về việc điều chỉnh cách thức quản lý lượng dữ liệu mà người dùng tin tưởng giao cho họ. Trong khi đó, người dùng chỉ còn cách là cảnh giác hơn trước những lời mời gọi "Bạn có sẵn sàng cho phép tôi tiếp cận các thông tin cơ bản hay không?".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!