Trong tâm bão của dư luận liên quan đến tranh cãi quanh cách sử dụng hình khối để giúp trẻ có thể hiểu được trong một câu nói, một câu thơ sẽ gồm có nhiều tiếng mà nhiều người đang hiểu đó là cách học tiếng Việt lạ, sáng nay (8/9), tại Hà Nội, GS Hồ Ngọc Đại "cha đẻ" của chương trình Công nghệ giáo dục với cách tiếp cận khối hình ô vuông trò để giúp học sinh hiểu về "tiếng" trước khi nhận mặt chữ, đã tâm huyết thuyết trình với chuyên đề Công nghệ giáo dục trong kỷ nguyên 4.0, trong đó cách dạy tiếng Việt đang được chú ý chỉ là một phần của chương trình Giáo dục công nghệ.
Đến với buổi họp, người từ nước ngoài về, người từ thành phố Hồ Chí Minh ra - họ là khóa học sinh đầu tiên của trường thực nghiệm, cũng là những học sinh đầu tiên học tiếng Việt bằng cách đánh vần theo âm, hay biểu thị tiếng bằng hình học. Những phản ứng bất ngờ của dư luận về chương trình mà họ đã từng học cách đây 40 năm trước là lý do cho cuộc họp khóa bất ngờ này.
GS Hồ Ngọc Đại nói về chương trình Công nghệ giáo dục.
Để rộng đường dư luận, GS Hồ Ngọc Đại - cha đẻ của phương pháp này - đã dành gần 3 giờ đồng hồ để giúp công chúng nhìn nhận cách học tiếng Việt trong tiến trình thăng trầm hơn 40 năm qua của chương trình Công nghệ giáo dục. Ông cắt nghĩa căn nguyên của những ý kiến trái chiều là do sự khác biệt bắt đầu từ chính triết lý giáo dục của chương trình này. Theo đó, người lớn đã lấy cái cũ mà đánh giá cái mới.
Lắng nghe cả ý kiến phản biện để điều chỉnh, GS Hồ Ngọc Đại vẫn tin tưởng vào tương lai của công nghệ giáo dục. Và hơn ai hết những cựu học sinh cũng mong muốn sớm có một công trình khoa học đánh giá thực nghiệm toàn diện phương pháp giáo dục đã giúp họ trưởng thành trong 40 năm qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!