Cuối tháng 10/2019, UBND thành phố Hà Nội đã ra chỉ thị số 15 về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Thành phố từ năm 2021.
Theo đó, từ ngày 1/1/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã sẽ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với các hành vi gây ô nhiễm môi trường do sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu.
Gần 20 năm trong nghề bán than tổ ong, một người giao than cho biết, dù than tổ ong vẫn là nhiên liệu được lựa chọn của nhiều hộ gia đình, cửa hàng, nhưng đã giảm nhanh tới 50% trong vài năm trở lại đây.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Môi trường, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội, từ hơn 55.000 bếp than tổ ong trên địa bàn Thủ đô với 63% tập trung ở nội thành vào năm 2017. Đến nay, con số này đã giảm gần 60%.
Tuy nhiên, cũng theo bà Lưu Thị Thanh Chi (Phó Chi Cục trưởng Chi cục Môi trường, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội), dù đã có sự chuyển biến tích cực, nhưng để thực hiện được việc cấm hoàn toàn sử dụng than tổ ong vào năm 2021 vẫn là một thách thức, đặc biệt là giải pháp nhiên liệu thay thế cho các hộ thu nhập thấp, do đây vốn là nhiên liệu đốt có mức giá rẻ.
Gia đình nhà ông Việt, dù tuổi cao, sức khỏe yếu và nhận thức rõ tác hại của bếp than tổ ong với bản thân, môi trường, nhưng vẫn chấp nhận sử dụng. Trung bình mỗi ngày, hộ nhà ông dùng từ 2 - 3 viên than. Mức chi phí chỉ khoảng hơn 7.000 đồng cho mọi hoạt động đun nấu trong ngày.
Hiện, sau gần 3 tháng, chỉ thị 15 của UBND TP Hà Nội về việc thay thế, loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ từ năm 2021, cơ chế hỗ trợ, chuyển đổi cho các hộ gia đình có mức thu nhập thấp vẫn đang được xây dựng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!