Mỗi di tích lịch sử văn hóa là một kho báu chứa đựng di sản quý giá với giá trị lớn về tuổi đời do ông cha ta để lại. Trách nhiệm của chúng ta là cần gìn giữ, bảo vệ. Nhưng trong thực tế, hoạt động này còn nhiều hạn chế và trong những năm gần đây các vụ việc mất cắp cổ vật liên tiếp xảy ra. Phần lớn đều nằm từ lỗ hổng trong công tác quản lý.
Câu chuyện mất cắp cổ vật có niên đại khoảng 200 năm mới đây xảy ra tại đình Hoàng Châu, Cát Hải, Hải Phòng một lần nữa cảnh tỉnh về sự mơ hồ và chủ quan của những người làm công tác quản lý trông coi.
Đình Hoàng Châu được xây dựng cách đây 300 năm, được Bộ VH-TT&DL xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia nhưng việc trông coi tại đây lại rất lỏng lẻo. Thứ bảo vệ các cổ vật ở đây duy nhất chỉ là một lớp khóa.
Sau khi công an vào cuộc đến 6 tháng, tung tích của cổ vật cũng lặn mất tăm cùng đạo chích. Rất may mắn khi mới đây, công an huyện Cát Hải, Hải Phòng, thông qua việc xử lý vi phạm giao thông đã phát hiện một nhóm đối tượng chuyên ăn cắp cổ vật tại đình cổ Hoàng Châu và tìm lại được một số cổ vật như chiếc khám, vòng ngọc trai và chiếc tivi. Tất cả hiện vật sẽ được trao trả lại cho đình Hoàng Châu để thực hiện việc thờ cúng.
Chỉ khi mất bò thì mới lo làm chuồng, mất cổ vật rồi mới siết chặt hơn công tác quản lý và đây cũng là lần đầu tiên xảy ra tình trạng này. Theo luật sư Hoàng Anh Tuấn, Đoàn Luật sư Hà Nội, trong Luật Di sản cũng không quy định rõ khi để mất cổ vật thì trách nhiệm thuộc về ai. Đối với chùa thì có sư trụ trì đứng ra đảm nhiệm còn với đình làng thì gần như trên cả nước đều không có người đứng ra quản lý chính. Sự đảm bảo an toàn cho cổ vật không chỉ là những lớp khóa, thậm chí là hệ thống an ninh giám sát mà quan trọng hơn là ý thức trách nhiệm của từng người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!