Nhân viên tại sân bay quốc tế Los Angeles, Mỹ chuyển lô thiết bị bảo hộ cá nhân từ một máy bay của hãng hàng không Trung Quốc. (Ảnh: AP)
Hiện Mỹ đang là tâm dịch COVID-19 của thế giới, với hơn 960.000 ca mắc, hơn 54.000 ca tử vong.
Bỏ lỡ thời gian chuẩn bị
Các chuyên gia y tế Mỹ từng nhận định, nước Mỹ đã để lỡ khoảng thời gian 2 tháng không chuẩn bị ứng phó với dịch COVID-19. Kể từ cuối tháng 2, trong khi các nước khác nhanh chóng sản xuất và gia tăng các đơn hàng nhập khẩu thiết bị y tế, thì Mỹ lại tỏ ra khá bình thản. Điều này đã góp phần dẫn tới tình trạng thiếu hụt vật tư y tế, tăng thêm rủi ro cho y, bác sĩ. Các bệnh viện Mỹ được cho là phải chịu nhiều áp lực hơn so với bệnh viện ở các nước Tây Âu, Đông Á, Canada và Australia.
Chỉ đến đầu tháng 4, nhiều tuần sau khi Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) tư vấn cho các bệnh viện dùng khăn để bù đắp cho việc thiếu khẩu trang, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) mới cấp phép cho việc sử dụng khẩu trang KN95 của Trung Quốc, loại được làm theo kiểu khẩu trang N95 hiện rất khan hiếm.
Nhà chức trách Mỹ vẫn đang hối thúc các nhà sản xuất thiết bị, vật tư y tế đẩy nhanh tiến độ sản xuất và vận chuyển, bao gồm nỗ lực trợ giá cho các chuyến bay chở vật tư y tế từ Trung Quốc cho các nhà phân phối Mỹ. Tuy nhiên, việc này cũng để lộ rõ vấn đề của chuỗi cung ứng. Nước Mỹ được cho là sản xuất không đủ khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ nội địa, mà phụ thuộc quá nhiều vào việc nhập khẩu.
Thiếu kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh
Kênh truyền hình ABC News cũng chỉ ra thêm một nguyên nhân về việc Mỹ phản ứng chậm trong việc chuẩn bị vật tư y tế ứng phó với dịch COVID-19 là vấn đề thiếu kinh nghiệm. Khác với Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc, nước Mỹ không bị ảnh hưởng nặng bởi dịch SARS năm 2002 - 2003, do đó không tích lũy được kinh nghiệm chống dịch bệnh đường hô hấp cấp như các nước đã chịu ảnh hưởng nặng nề của SARS.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!