Từ một làng quê vốn yên bình, giờ đây bà con thôn Đa Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng luôn sống trong sự lo âu bởi những lần cãi vã, đe dọa từ chủ nợ.
Mất đất, mất nhà, gia đình chị Liêng K'phê phải dựng tạm nhà để sinh sống do gia đình chị vay nóng một người trong xã 217 triệu đồng. Sau vài năm, số tiền cả gốc lẫn lãi lên đến 1 tỷ đồng, chị đành chấp nhận giao sổ đỏ miếng đất hơn 3.000 m2 cho chủ nợ.
Tương tự, năm 2014 gia đình ông Ha Hênh đi vay số tiền 110 triệu đồng. Đến hiện tại, dù đã trả toàn bộ tiền gốc nhưng ông vẫn còn nợ tới 370 triệu tiền lãi. Muốn thoát nợ, gia đình ông chỉ còn cách gán đất.
5 năm qua, cả xã Lát có hơn 50 hộ dân chỉ vay vài chục, vài trăm triệu đồng bằng thỏa thuận miệng, viết giấy tay sau đó nhanh chóng trở thành con nợ tiền tỷ, bị siết đất.
Theo thống kê của Ban dân tộc tỉnh Bình Phước, riêng năm 2017, gần 400 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay nợ tín dụng đen, phải gán vườn điều, gán đất với tổng diện tích gần 550 ha. Với số tiền 22 tỷ đồng.
Thống kê của Bộ Công an tại Gia Lai, năm 2017, tỉnh này có hơn 2.000 hộ dân mất đất canh tác, với diện tích hơn 1.000 ha, chủ yếu vì tín dụng đen. Cả tỉnh này hiện đang có tới 500 cơ sở hoạt động cho vay nặng lãi.
Tín dụng đen đi liền với vi phạm pháp luật. Tại Lâm Đồng, vừa qua theo thống kê của cơ quan công an đã khởi tố đến 20 vụ án liên quan đến tín dụng đen, đòi nợ thuê.
Có nhiều lý do khiến tín dụng đen hoành hành ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như: điều kiện cho vay từ phía các ngân hàng khắt khe nên việc tiếp cận vốn vay ngân hàng là rất khó khả thi. Trong khi đó, các công ty cho vay tài chính uy tín chưa để ý đến thị trường này. Trong một số trường hợp, tín dụng đen là lựa chọn duy nhất. Bên cạnh đó, sự thiếu hiểu biết của bà con khiến lời giải cho câu chuyện tín dụng đen trở nên không đơn giản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!