Tuy nhiên, đây chỉ là một trong hai bức thư ông Johnson viết gửi tới EU, với nội dung hoàn toàn trái ngược nhau.
Theo luật, Thủ tướng Anh Johnson buộc phải gửi thư đề nghị Liên minh châu ÂU (EU) gia hạn Brexit, sau khi nghị viện nước này bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận do ông đề xuất hôm 19/10. Tuy nhiên, bản thân vị Thủ tướng này vẫn luôn giữ vững lập trường, phải đưa Anh phải rời khỏi EU đúng thời hạn 31/10.
Đây có thể là nguồn cơn của việc ông Johnson gửi đi 2 bức thư với thông điệp trái ngược nhau cho EU. Đáng chú ý hơn, trong bức thư đề nghị EU gia hạn Brexit, Thủ tướng Anh Boris Johnson không để lại chữ ký. Thế nhưng, chữ ký này lại xuất hiện ở bức thư thứ 2, khẳng định bản thân ông không muốn trì hoãn Brexit thêm. Động thái này được đánh giá đã ít nhiều thể hiện thái độ "bằng mặt không bằng lòng" của Thủ tướng.
Theo truyền thông Anh, đây chưa phải 2 bức thư duy nhất EU nhận được từ phía Anh. Trước đó, Đại sứ Anh tại EU Tim Barrow đã gửi một bức thư giải thích rằng lá thư yêu cầu gia hạn Brexit chỉ được gửi đi theo yêu cầu của Nghị viện Anh chứ không phải do mong muốn của Thủ tướng Johnson. Động thái này có nguy cơ thổi bùng tranh cãi và tạo cơ hội cho các đối thủ của ông Johnson gây áp lực, như đòi trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit, hoặc bỏ phiếu bất tín nhiệm để kích hoạt bầu cử trước thời hạn.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk xác nhận EU đã nhận được yêu cầu gia hạn bằng một thông báo trên Twitter và cho biết sẽ bắt đầu tham vấn các lãnh đạo EU về đề nghị này.
Trong một cuộc họp bất thường diễn ra vào ngày 21/10 của 27 đại sứ các quốc gia EU, các nhà ngoại giao cũng đã quyết định chuyển giao "thỏa thuận" của ông Johnson cho Nghị viện châu Âu để phê chuẩn. Vấn đề hiện nay là chờ xem liệu họ có quyết định hoãn Brexit vào hay không, hay là câu giờ bằng cách có thể để cho ông Boris Johnson một lần nữa thử thông qua bản thỏa thuận của ông tại Nghị viện Anh trong tuần này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!