Đây vừa là sự lãng phí lớn về tài nguyên nước, vừa là nguy cơ biến TP.HCM thành đô thị có những con đường chẳng khác nào con sông.
Ở TP.HCM nhiều năm qua đã tồn tại 1 nghịch lý đó là mặc dù thành phố đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để hoàn thành mạng lưới cấp nước sạch đến từng hộ dân, tuy nhiên, người dân vẫn giữ thói quen sử dụng nước giếng ngầm, còn nước máy thì không sử dụng, hoặc sử dụng rất ít.
Máy bơm nước ngầm đặt ngay trong nhà. Mỗi nhà có đến hai vòi nước: một vòi nước giếng ngầm, một vòi nước máy, và tất nhiên nước giếng ngầm thì dùng thường xuyên hơn. Đó là hình ảnh không mấy xa lạ ở các hộ gia đình ở TP.HCM.
Năm 2014, người ta đặt câu hỏi: "Bao giờ 100% người dân của TP.HCM được cấp nước sạch?". Hai năm sau, ngành cấp nước thành phố phải đau đầu đi tìm giải pháp cho hơn 112.000 đồng hồ nước, được lắp đặt mới, mà chưa từng sử dụng. Và năm nay, con số đồng hồ nước có số hóa đơn bằng 0 chẳng những không giảm, mà còn tăng lên. Trao đổi về lý do tại sao không sử dụng nước máy, người dân chia sẻ một số lý do như nghĩ rằng đây là một cách tiết kiệm, tốn kém ít chi phí hơn cho gia đình.
Số liệu thống kê gần đây nhất về tình trạng sử dụng nước ngầm ở TP.HCM là hơn 710.000 m3/ngày, chủ yếu là do hộ dân khai thác. Chính thói quen sử dụng nước ngầm khó bỏ của người dân, đã khiến cho hiện tượng sụt lún, biến dạng mặt đất, ngập úng tại TP.HCM ngày càng trầm trọng và khó khắc phục hơn. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều năm qua các tổ chức trong nước và quốc tế đã có nhiều nghiên cứu về tình trạng sụt lún ở vùng ĐBSCL và vùng Đông Nam Bộ. Kết quả dù khác nhau, nhưng đều cho thấy, tình trạng sụt lún đang diễn biến phức tạp. TP.HCM là địa phương có tốc độ sụt lún rất lớn, trung bình toàn thành phố là 4 cm/năm, cá biệt có những nơi lên đến 6 - 7 cm/năm.
Việc khai thác quá mức các tầng nước ngầm, khiến cho lượng nước ngầm giảm đột ngột, tạo thành các phễu nước, khiến cho mặt đất dần dần hạ thấp dần. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không có biện pháp quản lý kịp thời, lún mặt đất kết hợp với sự dâng cao của mực nước biển sẽ tạo ra áp lực rất lớn đến việc thoát nước và chống ngập của thành phố. Và TP.HCM rất có thể sẽ là đô thị ngập không lối thoát.
Nếu không có biện pháp quản lý khai thác nước ngầm, TP.HCM có nguy cơ trở thành đô thị ngập không lối thoát.
Trong bối cảnh của TP.HCM, cơ bản đã cung cấp đủ nước sạch cho người dân. Việc quản lý người dân khai thác nước ngầm vẫn gặp nhiều khó khăn. Việc chưa có quy định chặt chẽ là nguyên nhân khiến cho tình trạng này tiếp diễn trong suốt nhiều năm qua. Các quy định về tài nguyên nước chỉ yêu cầu giảm khai thác, chưa có quy định cấm, chưa có biện pháp, chế tài đối với cá nhân, tổ chức được cung cấp nước sạch nhưng vẫn sử dụng nước giếng.
Nghịch lý khi nguồn nước mặt đảm bảo chất lượng lại dư thừa, lãng phí. Còn nước ngầm không đảm bảo vệ sinh lại bị khai thác quá mức gây sụt lún nghiêm trọng.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, hơn 44% nước giếng do người dân tự khai thác không đạt các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh. Nguồn nước bị ô nhiễm có thể gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm như bệnh ngoài da, bệnh tiêu hóa, hay là hỏng men răng. Trong khi đó chất lượng nước mặt cung cấp cho người dân TP.HCM đang được giám sát rất chặt chẽ, không chỉ từ đơn vị sản xuất, phân phối mà còn có cả sự giám sát của trung tâm y tế dự phòng TP.HCM và trung tâm y tế dự phòng của 24 quận, huyện.
95% nguồn nước máy của người dân TP.HCM đang sử dụng là nước được lấy từ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Đối với các công ty khai thác nước ngầm do thành phố quản lý cũng sẽ tiến hành giảm khai thác. Các công trình khai thác nước ngầm sẽ được chuyển sang chế độ dự phòng.
Trong tất cả các giải pháp hiện nay, thay đổi thói quen dùng nước ngầm, vận động người dân dùng nước mặt là giải pháp khó khăn nhất, nhưng cũng là giải pháp căn cơ nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!