Một trong những giải pháp đang được xem xét là mở các "núi" rác này ra để phân loại, tái chế, đồng thời tạo ra quỹ đất mới để làm khu dân cư.
Tại buổi làm việc mới đây giữa lãnh đạo TP.HCM và các doanh nghiệp, một đầu bài được lãnh đạo thành phố đặt ra là làm thế nào để xử lý các bãi rác hàng chục triệu tấn đã đóng cửa để lấy quỹ đất. Trước mắt là với bãi rác Gò Cát rộng 25ha tại quận Bình Tân đã đóng cửa cách đây 12 năm.
Một DN ở Hải Dương khẳng định có thể xử lý được núi rác này trong thời gian 2 năm. Cách thức xử lý là mở núi rác này, sau đó phân loại theo 3 hướng: một là làm phân bón, hai là lấy nguyên liệu sản xuất hạt nhựa, phần còn lại sẽ đốt để lấy xỉ tro đóng gạch.
Để hạn chế phát tán mùi hôi, sau khi mở núi rác sẽ đưa một lượng phân vi sinh lớn vào bãi rác trước khi phân loại.
Một số ý kiến cho rằng, rác đã chôn lấp từ lâu không nhất thiết phải "khui ra", mà nên chờ thêm thời gian để rác tự phân hủy, sau này việc xử lý sẽ đỡ tốn kém hơn. Trong khi đó, thành phố nên dành nguồn lực cho việc xử lý rác mới, hiện nay còn quá bất cập.
Thực tế hiện nay, một bãi rác lâu nhất của TP.HCM là bãi rác Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, đã đóng cửa gần 20 năm với hàng chục triệu tấn rác đang trở thành một khu vực trồng các loại cây ăn trái, trong đó có dưa lưới xuất khẩu trồng theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Người dân ở đây cũng không còn cảm nhận mình đang sống cạnh bãi rác.
Lan tỏa cuộc chiến chống rác thải nhựa VTV.vn - Bằng những hành động thiết thực và hiệu quả, chính quyền và người dân tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực cùng với cả nước trong cuộc chiến nói không với rác thải nhựa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!