Bắt nguồn từ châu Phi, sang châu Âu, rồi đến châu Á, virus tả lợn đang tàn phá ngành công nghiệp thịt lợn của nhiều nước. Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến rất phức tạp ở khu vực châu Á. Dịch bệnh này rất khó kiểm soát, thậm chí được dự báo là phải mất tới hàng thập kỷ mới có thể dập dịch.
Nhìn lại quá khứ, Tây Ban Nha đã phải mất tới 35 năm để dập dịch tả lợn, với việc áp dụng các biện pháp vệ sinh nghiêm ngặt và công nghiệp hóa ngành sản xuất thịt lợn cùng sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu. Đảo Sardinia của Italy cũng phải mất 40 năm mới thoát khỏi dịch tả lợn châu Phi.
Hiện Trung Quốc đang là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất và khó kiểm soát dịch bệnh do nước này sở hữu khoảng 440 triệu con lợn, chiếm khoảng một nửa đàn lợn toàn cầu và được xuất khẩu đi nhiều nước.
Do chưa rõ làm cách nào virus tả lợn xâm nhập được vào Trung Quốc nên nhà chức trách nước này sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn để phòng ngừa trong trường hợp tái dịch. Còn vấn đề lớn nhất hiện giờ là Trung Quốc chưa kiểm soát được dịch bệnh trong nước thành công thì dịch càng dễ lây lan sang các nước khác, các khu vực khác trên toàn cầu.
Ba Lan là quốc gia tiếp theo tuyên bố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Đây là báo cáo mới được Tổ chức Sức khỏe động vật thế giới công bố. Dịch bùng phát tại một trang trại nằm gần biên giới giữa Ba Lan và Belarus. Hơn 8.000 con lợn trong trang trại này đã bị tiêu hủy. Ba Lan là quốc gia thứ 6 tại khu vực Đông Âu tuyên bố có dịch tả lợn châu Phi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!