1. Công nghệ VAR - Trợ lý video hỗ trợ trọng tài
VAR là viết tắt của cụm từ "Video Assistant Referees" (tạm dịch: Trợ lý trọng tài qua video), giúp cho quyết định của trọng tài trở nên chính xác hơn sau khi xem lại hình ảnh quay chậm lại trong các tình huống ghi bàn, phạt đền hay thẻ đỏ. Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng FIFA cũng đã quyết định sẽ áp dụng công nghệ này vào World Cup 2018 sắp tới.
Trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng việc làm này khiến cho trận đấu bị gián đoạn, vai trò của trọng tài trở nên mờ nhạt và cảm xúc người xem bị "bóp méo".
Mỗi trận đấu diễn ra đều sẽ được trang bị 4 hệ thống video hỗ trợ trọng tài (VAR) và những đoạn chiếu lại sẽ được phát trên những màn hình khổng lồ bên trong các sân vận động.
Sẽ có 4 chuyên viên phụ trách công nghệ VAR. Chuyên viên chính sẽ duy trì liên lạc với trọng tài chính và có thể đề nghị trọng tài chính đến những màn hình đặt bên lề sân cỏ để kiểm tra lại hình ảnh. Chuyên viên VAR trợ lý thứ nhất chịu trách nhiệm theo dõi tiếp diễn biến trận đấu những lúc lực lượng trọng tài của trận đấu phải xem lại một tình huống nào đó. Chuyên viên VAR trợ lý thứ hai đặc biệt chịu trách nhiệm các tình huống việt vị.
Trước khi được đưa vào sử dụng chính thức tại World Cup 2018, công nghệ VAR cũng đã được tùy chỉnh trong 2 năm qua để có thể đáp ứng tốt nhất, "hạn chế tối thiểu các nhược điểm và mang lại lợi ích tối đa".
Phòng vận hành hệ thống VAR của FIFA trong mùa World Cup 2018.
2. Công nghệ xác định bàn thắng Goal-line
Công nghệ Goal-line đã từng được sử dụng lần đầu tiên trong World Cup 2014 tại Brazil và lần này sẽ tiếp tục quay trở lại với nước Nga. Với việc sử dụng thông tin từ 14 camera tốc độ cao - mỗi cầu gôn sẽ được sử dụng 7 camera, tín hiệu rung và tin nhắn sẽ được gửi đến đồng hồ của trọng tài chỉ trong vòng 1 giây, để cho biết bóng đã vượt qua vạch vôi của cầu môn hay chưa và có cản trở trận đấu hay không.
Công nghệ Goal-line do hãng GoalControl của Đức cung cấp. FIFA cho biết, GoalControl đã vượt qua được giai đoạn thử thách khi xác định được chính xác 68 bàn thắng ghi trong Cúp Liên đoàn tổ chức tại Brazil năm 2013.
Tiếp đến tại World Cup 2014, Pháp chính là đội tuyển đầu tiên được hưởng lợi từ công nghệ xác định bàn thắng mới Goal-line trong trận đấu với đội tuyển Honduras.
3. Trái bóng Telstar 18 - quả bóng chính thức được tích hợp với smartphone trong World Cup 2018
Quả bóng chính thức được sử dụng trong World Cup 2018 có tên là Telstar 18 do hãng Adidas sản xuất. Quả bóng được thiết kế dựa trên kiểu dáng của quả bóng Telstar được sử dụng vào năm 1970.
Với sự kết hợp giữa màu trắng làm nền chủ đạo và những họa tiết 6 cạnh màu đen, Telstar 18 hứa hẹn sẽ đem lại nguồn cảm hứng cho từng pha bóng tại ngày hội bóng đá 4 năm 1 lần.
Đặc biệt, quả bóng được tích hợp vi xử lý NFC (kết nối không dây tầm gần). Với công nghệ này, người dùng sử dụng smartphone có thể tương tác với trái bóng để thu thập dữ liệu về tốc độ bóng, tốc độ chạy, quãng đường di chuyển hay lực sút của cầu thủ...
Các nhà thiết kế thuộc hãng Adidas nói rằng trái bóng Telstar 18 "đã nâng tầm thiết kế và cách tân của bóng đá lên một tầm cao mới và mang tới cho cả các cầu thủ và người mua một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ". FIFA thì hy vọng rằng công nghệ mới áp dụng trong trái bóng Telstar 18 sẽ giúp họ giải quyết các vấn đề tranh cãi trên vạch vôi.
4. Chất xịt tan công nghệ mới
Mùa giải năm nay cũng có sự xuất hiện của một loại chất xịt tan công nghệ mới. Chất xịt này được dùng để vẽ vạch giới hạn vị trí của cầu thủ trong các tình huống đá phạt, lập hàng rào và mất màu ngay sau khi tình huống được thực hiện xong.
Hiện chưa công bố tên hãng sản xuất chất xịt cho World Cup 2018, nhưng theo thông tin từ ban tổ chức cho biết thì khả năng cao là do Nga sản xuất, được cải tiến so với các chất xịt hiện có. Đai gắn chai xịt cũng được củng cố để không cản trở trọng tài khi chạy từ đầu sân đến cuối sân. Chất xịt cũng đáp ứng tốt với điều kiện nhiệt độ thay đổi, với mặt sân cỏ nhân tạo lẫn tự nhiên.
5. Công nghệ cầm tay hỗ trợ trận đấu
Thêm vào đó, sau khi hiệp hội Bóng đá Quốc tế (IFAB) ra quyết định phê chuẩn đề xuất áp dụng công nghệ cầm tay để hỗ trợ các trận đấu, liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã chính thức cho phép tất cả 32 đội tuyển tham dự World Cup 2018 nhận sự hỗ trợ thời gian thực từ một chuyên gia phân tích trong suốt khoảng thời gian của một trận đấu.
"Phần mềm và cơ sở vật chất mà FIFA chuẩn bị cho World Cup 2018 cho phép tất cả các đội tuyển được kết nối với các chuyên gia phân tích trận đấu đang ở vị trí gần băng ghế dành cho đội ngũ kỹ thuật" - hãng CNN dẫn lời một người phát ngôn của FIFA, cho hay.
Tuyên bố trên cũng cho hay, bằng việc cung cấp mạng lưới kết nối ổn định này, mỗi đội tuyển lựa chọn sử dụng hệ thống trên hoàn toàn có khả năng tiếp nhận các dữ liệu thông số và hình ảnh của trận đấu theo thời gian thực, từ đó đưa ra các quyết định hợp lý cho trận đấu.
Các chuyên gia phân tích của mỗi đội sẽ có khả năng theo dõi mọi chuyển động của cầu thủ trên sân thông qua các camera quang học, sau đó gửi kết quả đánh giá tới các huấn luyện viên mỗi đội. Dữ liệu này được gửi đến một thiết bị bảng, cho phép ban huấn luyện tương tác với các chuyên gia phân tích.
Ở World Cup 2014, thông tin từ các nhà phân tích chỉ đến được đội ngũ huấn luyện trong giờ nghỉ giữa trận hoặc sau trận đấu.
6. Xe buýt không người lái
Cổ động viên tại Moskva sẽ được di chuyển trên những chiếc xe buýt không người lái. Tập đoàn Volgabus hợp tác với hãng BMG (Bakulin Motors Group) và "Kamaz" sản xuất ra hai loại xe: Matreshka và xe con thoi "Suttle". Hệ thống camera tần số cao giúp xe tránh các vật cản trên đường. Matreshka và Suttle chở được đến 12 người, Matreshka chạy với tốc độ 15-20km/h, còn Suttle có thể đạt tốc độ tối đa 40 km/h. Matreshka chạy bằng pin, quãng đường chạy liên tục lên đến 130 km, Suttle – 200 km.
Cổ động viên có thể sử dụng ứng dụng trên điện thoại để gọi xe Suttle.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!