Căng thẳng về vấn đề bản quyền tin tức trên Facebook tại Australia vẫn chưa "hạ nhiệt"

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 19/02/2021 18:59 GMT+7

VTV.vn - Cuộc đối đầu giữa chính phủ Australia và mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook xung quanh vấn đề bản quyền tin tức trên mạng xã hội vẫn chưa thấy hồi kết.

Australia tuyên bố sẽ không lùi bước trước Facebook

Thủ tướng Australia Scott Morrioson hôm nay tuyên bố, Australia sẽ không nhân nhượng trước Facebook và sẽ áp dụng luật buộc Facebook phải trả tiền cho các hãng tin về nội dung.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Facebook hôm qua bất ngờ chặn mọi nội dung tin tức liên quan đến Australia và không cho người dùng tại Australia chia sẻ hay đọc tin tức trong nước lẫn quốc tế.

Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã bày tỏ sự thất vọng trước hành động của Facebook, đồng thời kêu gọi Facebook sớm quay lại bàn đàm phán.

Căng thẳng về vấn đề bản quyền tin tức trên Facebook tại Australia vẫn chưa hạ nhiệt - Ảnh 1.

Thủ tướng Australia Scott Morrison (Ảnh: AP)

"Tôi muốn nhắc nhở với Facebook rằng, nếu họ muốn kinh doanh ở đây, họ phải tuân thủ các quy tắc của chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe các vấn đề kỹ thuật của vấn đề này, giống như chúng tôi đã lắng nghe ý kiến của Google và đã đi đến một thỏa thuận hợp lý. Nhưng ý tưởng chặn một số trang tin tức như cách Facebook đã làm hôm qua, như một cách thức đe dọa, không phải là một động thái tốt từ phía Facebook. Facebook nên sớm quay lại bàn đàm phán và cùng chúng tôi tìm ra giải pháp cho vấn đề này" - Thủ tướng Australia nhấn mạnh.

Thủ tướng Scott Morrison sẽ khởi động một chiến dịch huy động sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo thế giới để ngăn chặn hành vi được coi là đứng trên luật pháp của Facebook. Ông Morrison đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi vào tối hôm qua trong bước đi đầu tiên của kế hoạch này.

Nhà lãnh đạo của Australia dự kiến cũng sẽ nêu vấn đề tại Hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức tại Anh vào tháng 6 tới, với các nhà lãnh đạo từ Anh, Canada, Pháp, Ý, Nhật Bản, Đức và Mỹ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg cho biết sẽ tiếp tục trao đổi với người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg trong ngày hôm nay để tìm ra giải pháp hợp lý. Đây sẽ là lần thảo luận thứ ba giữa ông và Mark Zuckerberg xung quanh vấn đề này.

Facebook hiện có hơn 11 triệu người dùng tại Australia, quốc gia có 25 triệu dân, giúp gã khổng lồ công nghệ thu về tới 24% doanh thu quảng cáo trực tuyến của "xứ sở chuột túi".

Ý kiến về việc Facebook chặn tin tức tại Australia

Tranh chấp giữa Australia và Facebook khởi nguồn từ một dự luật của Australia, theo đó Facebook và Alphabet Inc Google sẽ phải trả tiền cho các hãng tin có liên kết trên nền tảng Facebook nhằm giúp thúc đẩy lưu lượng truy cập cho các hãng tin. Dự luật của Australia đang được các nhà quản lý trên toàn thế giới theo dõi chặt chẽ và có thể là trường hợp thử nghiệm cho một nỗ lực toàn cầu lớn hơn để buộc các gã khổng lồ Internet chia sẻ nhiều hơn doanh thu của họ với các nhà cung cấp nội dung.

Facebook cho rằng, dự luật này là sự hiểu lầm căn bản về mối quan hệ giữa nền tảng này với các cơ quan báo chí. Facebook cũng tái khẳng định những lợi ích mà công ty thu được từ việc các cơ quan báo chí chia sẻ tin tức chỉ chiếm khoảng 4% so với những gì mà mọi người nhìn thấy trên bảng tin.

"Việc Facebook chặn chia sẻ tin tức tại Australia là một hành động vô trách nhiệm. Nền tảng này cần nhanh chóng có động thái thay đổi nếu không muốn đối mặt với sự giận giữ của các nhà lập pháp toàn cầu" - ông Julian Knight - Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh - nhận định.

Chuyên gia Lucie Krahulcova cho rằng: "Facebook đã đặt mình vào vị trí trung tâm trong cuộc sống kỹ thuật số của mọi người. Vì vậy, thật là ngạc nhiên khi chứng kiến việc họ có động thái bất ngờ và thiếu thận trọng như vậy. Với thông tin sai lệch, Facebook không quyết liệt như vậy. Vậy mà họ lại sử dụng đối với dự luật của Australia".

Ông Eric Goldman - Giám đốc Viện Luật công nghệ cao tại Đại học Santa Clara, Mỹ - cho hay: "Facebook chặn chia sẻ tin tức ở Australia trong cuộc chiến với các cơ quan quản lý của nước này vì họ tự cho rằng họ đang mang lại nhiều lợi ích cho các trang tin tức ở Australia. Suy nghĩ này thực sự sai lầm, họ cần phải trả tiền cho các nhà cung cấp nội dung".

Chuyên gia Carsten Rudolph nhận định: "Câu chuyện này phức tạp hơn so với việc chỉ nói rằng các nền tảng kỹ thuật số ăn cắp tin tức từ các hãng tin tức và được lợi từ điều đó. Đây là một loại đôi bên cùng có lợi. Bạn cũng cần hỏi liệu các hãng tin tức có cần trả cho Facebook cho lưu lượng truy cập đến các trang của họ. Điều đó chưa được phản ánh trong luật".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước