Năm 2012, nhà sáng lập và CEO Facebook Mark Zuckerberg đã gửi một email cho Giám đốc Tài chính của công ty, ông David Ebersman, để đưa ra ý tưởng mua lại các công ty nhỏ như Instagram và Path.
"Các doanh nghiệp này còn non trẻ nhưng các mạng lưới đã được thiết lập, các thương hiệu đã có tiếng nói và nếu chúng phát triển trên quy mô lớn sẽ rất khó khăn cho chúng ta", Mark Zuckerberg viết trong email vào năm 2012.
"Tôi băn khoăn không biết liệu chúng ta có nên xem xét việc theo đuổi một hoặc hai trong số các công ty này hay không?".
Ebersman sau đó đã đưa ra những lý do mà Facebook nên mua lại các công ty nhỏ, bao gồm việc vô hiệu hóa đối thủ cạnh tranh, có thêm được những nhân tài, tích hợp sản phẩm để cải thiện dịch vụ của Facebook…
Mark Zuckerberg điều trần trực tuyến trước Ủy ban chống độc quyền của Hạ viện Mỹ
Mark Zuckerberg cảm thấy hài lòng với ý tưởng "vô hiệu hóa đối thủ cạnh tranh và cải thiện dịch vụ của Facebook". Cuối cùng, Facebook đã chi 1 tỷ USD để mua lại Instagram vào năm 2012.
Những email trao đổi giữa Mark Zuckerberg và David Ebersman đã được công bố trong phiên điều trần kéo dài 5 tiếng diễn ra vào rạng sáng 30/7 (theo giờ Việt Nam) của Mark Zuckerberg trước Ủy ban chống độc quyền của Hạ viện Mỹ.
Ủy ban chống độc quyền lập luận rằng, những email này, cùng một số tin nhắn và tài liệu khác từ năm 2012, cho thấy Facebook, đặc biệt là Mark Zuckerberg, muốn mua Instagram để tránh bị cạnh tranh.
“Facebook, bằng sự thừa nhận của chính mình, đã xem Instagram như một mối đe dọa việc kinh doanh của họ” - nghị sĩ Jerry Nadler chất vấn Zuckerberg trong phiên điều trần - “Và thay vì cạnh tranh với nó, Facebook đã mua lại nó. Đây chính xác là một hành động mua lại để chống cạnh tranh mà luật chống độc quyền được xây dựng để ngăn chặn”.
Tuy nhiên, theo Zuckerberg, việc mua lại Instagram không nhằm mục đích “tiêu diệt” đối thủ cạnh tranh, mà nhằm bổ sung các tính năng cốt lõi cho mạng xã hội này.
“Tôi đã nhận thấy rõ rằng Instagram là một đối thủ trong lĩnh vực chia sẻ ảnh trên di động” - Zuckerberg đáp trả các cáo buộc trong phiên điều trần -“Có rất nhiều những ứng dụng như vậy vào thời điểm đó. Họ đã phải cạnh tranh với các ứng dụng như VSCO Cam, PicPlz hay Path. Và khi Instagram tham gia với chúng tôi, họ chắc chắn đã được phát triển và được chúng tôi giúp đỡ để có thêm nhiều người dùng hơn”.
Instagram được thành lập vào năm 2010 và đã tạo được tên tuổi trong thung lũng Silicon trước khi được Facebook mua lại. Đáng chú ý, Facebook không phải là “ông lớn” duy nhất thể hiện sự quan tâm với Instagram. Twitter cũng từng đề nghị mua lại ứng dụng này với mức giá từ 500 đến 700 triệu USD dưới dạng cổ phiếu, nhưng Kevin Systrom, nhà đồng sáng lập Instagram đã từ chối.
Đầu tháng 4/2012, Mark Zuckerberg đã gọi điện trực tiếp cho Systrom, đưa ra lời đề nghị trị giá 1 tỷ USD, bao gồm cả tiền mặt và cổ phiếu của Facebook, để mua lại Instagram và tuyển dụng toàn bộ nhân viên của công ty (vào thời điểm đó Instagram chỉ có vỏn vẹn 13 nhân viên).
Ngoài số tiền mua lại, Zuckerberg đa đưa ra cho Systrom một lời đề nghị mà Twitter trước đó đã không làm: sự độc lập tương đối. Sau khi gia nhập Facebook, Instagram vẫn có thể hoạt động độc lập, Kevin Systrom vẫn có quyền điều hành như trước đây và sẽ có một nguồn lực khổng lồ, cả tài chính lẫn nhân sự, để thỏa sức phát triển Instagram. Systrom đã không bỏ qua lời đề nghị hấp dẫn này và thương vụ đã thành công.
Sau khi thương vụ mua lại Instagram được hoàn tất, Zuckerberg đã gửi một email đến các nhân viên của mình, cho rằng việc mua lại các công ty khởi nghiệp là một hành động đúng đắn.
“Tôi nhớ rằng các bạn đã lo ngại Instagram là mối đe dọa của chúng ta, các bạn có thể đã đúng. Một điều về các công ty khởi nghiệp đó là bạn có thể thường xuyên mua được chúng”, email của Zuckerberg viết.
Khi thương vụ diễn ra vào năm 2012, Ủy ban thương mại Mỹ (FTC) đã có những đánh giá để xác định xem liệu thương vụ này có vi phạm luật cạnh tranh và chống độc quyền hay không. Vào thời điểm đó, Facebook lập luận rằng mạng xã hội này không cạnh tranh trực tiếp với Instagram, khi Instagram là ứng dụng chuyên về tạo hiệu ứng và chia sẻ hình ảnh, chứ không phải là một mạng xã hội đơn thuần.
Theo quy định luật chống độc quyền tại Mỹ từ những năm 1960, dựa trên ý tưởng về việc người dùng chịu thiệt hại thông qua việc tăng giá sản phẩm, nhưng do Facebook và Instagram đều là các sản phẩm cung cấp dịch vụ miễn phí, do vậy FTC đã chấp thuận cho thương vụ được diễn ra. Tuy nhiên, FTC cũng cho biết có thể mở lại cuộc điều tra trong tương lai vì lợi ích của cộng đồng.
Tuy nhiên, sau 8 năm kể từ thương vụ được diễn ra, cả Facebook và Instagram đều đã phát triển một cách mạnh mẽ. Bản thân Instagram cũng không chỉ đơn thuần là một ứng dụng tạo hiệu ứng ảnh mà đã phát triển thành một mạng xã hội với hơn 1 tỷ người dùng, có tầm ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt với các đối tượng người dùng trẻ tuổi.
Ngoài Instagram, Mark Zuckerberg cũng đã có dự định mua lại các nền tảng mạng xã hội khác như Pinterest, Foursquare… và từng nhiều lần đưa ra đề nghị mua lại Snap nhưng đã bị từ chối. Đây đều là những công ty chuyên về mạng xã hội mà Zuckerberg nhận định là “có khả năng gây khó dễ” cho Facebook nếu tiếp tục phát triển.
Nhiều người lo ngại với tầm ảnh hưởng của các hãng công nghệ lớn như Facebook, Apple, Google hay Amazon trên những lĩnh vực của riêng mình sẽ khiến các công ty khởi nghiệp không còn cơ hội để vươn lên hoặc có thể bị các “ông lớn” thâu tóm ngay từ những ngày đầu tiên, làm mất đi tính cạnh tranh trên thị trường công nghệ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!