Mặc dù tài chính ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán là những lĩnh vực đi đầu trong việc số hóa tại Việt Nam, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc định danh điện tử dành cho các giao dịch thuộc những ngành này vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu mong muốn của các khách hàng và nhà đầu tư.
Đối với các ngân hàng, hình thức xác thực cho các giao dịch vẫn chủ yếu thực hiện dưới dạng SMS OTP, Token OTP, email OTP… cho cá nhân và SmartOTP (Soft OTP) cho các giao dịch nhóm. Các hình thức xác thực này đã giúp giảm thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí, giao dịch an toàn cho khách hàng, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế như: phải chờ đợi mã xác thực riêng lẻ cho từng giao dịch, một số thiết bị phải nhập thủ công mã OTP có thể dẫn đến sai sót... Trong khi đó, chữ ký số vẫn chỉ được thực hiện trong nội bộ các ngân hàng và vẫn còn phải phụ thuộc vào các thiết bị vật lý lưu trữ mã bí mật (USB token) và thiết bị kết nối như PC, laptop…
Điều tương tự cũng diễn ra đối với ngành chứng khoán khi các hình thức ký xác thực hiện nay, bao gồm ký số sử dụng USB Token, cũng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư.
Đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, phần lớn các giao dịch đều phát sinh vãng lai chứ không đều đặn liên tục như các giao dịch chứng khoán hay ngân hàng. Một hình thức ký số từ xa với các gói cước ngắn hạn, chi phí hợp lý sẽ góp phần không nhỏ để doanh nghiệp và khách hàng thuận lợi hơn trong việc ký kết các hợp đồng điện tử.
Việc định danh điện tử dành cho các giao dịch hiện tại vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu mong muốn của các khách hàng và nhà đầu tư
Tại hội thảo trực tuyến "Chữ ký số cá nhân: Đón đầu cơ hội cho ngành tài chính - ngân hàng", ông Phan Thái Dũng - Cục phó Cục Công nghệ thông tin - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cho biết, chi phí cho chữ ký số cá nhân hiện nay vẫn còn khá lớn. Điều đó cũng là nguyên nhân khiến cho việc định danh điện tử hầu hết mới chỉ được sử dụng trong các giao dịch nội bộ ngân hàng hoặc các giao dịch của các doanh nghiệp mà chưa áp dụng rộng rãi được cho các khách hàng cá nhân vốn chiếm đa số trong các giao dịch của ngành này.
Theo ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng giám đốc VietinBank, thời gian qua, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã cho phép khách hàng của VietinBank mở tài khoản ngân hàng từ xa nhưng đối với các giao dịch khác như cho vay, thanh toán với giá trị lớn, khách hàng vẫn phải gặp trực tiếp và phải ký văn bản giấy tờ.
Sự hạn chế về định danh cá nhân cũng là nguyên nhân dẫn tới việc số hóa chưa được thực hiện triệt để đối với các lĩnh vực tương tự bao gồm chứng khoán và bảo hiểm. Mặc dù đây cũng là những lĩnh vực đi đầu trong việc áp dụng công nghệ cao trong các giao dịch, tuy nhiên, việc mở tài khoản, ký kết hợp đồng vẫn phải thực hiện một số bước thủ công, trực tiếp… Đây là những trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư, khách hàng nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - cho rằng, hiện nay, quá trình chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi mặt của đời sống xã hội. Quyết định số 749/QĐ-TTg về chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến 2025, định hướng đến năm 2030 đã cụ thể các mục tiêu chuyển đổi số, trong đó lấy người dân là trung tâm. Chính phủ khuyến khích người dân số hóa mọi hoạt động cá nhân, tuy nhiên, tới thời điểm hiện nay, vướng mắc lớn nhất trong quá trình số hóa là đa phần người dân chưa có chữ ký số cá nhân vừa đảm bảo tiện lợi, đơn giản mà chi phí hợp lý. Việc phát triển chữ ký số từ xa cho cá nhân sẽ góp phần gỡ bỏ nút thắt quan trọng cuối cùng trong việc số hóa nền kinh tế.
"Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cung cấp dịch vụ chữ ký số từ xa cho 3 doanh nghiệp, trong đó có VNPT. Tôi rất kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng triển khai mạnh mẽ dịch vụ này trong thời gian tới" - ông Nguyễn Huy Dũng cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!