Tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2020, ông Andrew Williamson, Phó Chủ tịch toàn cầu Các vấn đề Chính phủ và Cố vấn Kinh tế của Huawei Technologies, đã chia sẻ về những kinh nghiệm để phục hồi kinh tế sau tác động của đại dịch COVID-19.
Nghiên cứu của Huawei chỉ ra ra rằng nền kinh tế số càng phát triển thì càng cung cấp cho các quốc gia khả năng phục hồi cao hơn trước các tác động kinh tế của COVID-19.
"Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng công nghệ số đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cho xã hội hoạt động trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Trí tuệ nhân tạo (AI) thông qua các công nghệ nhận dạng hình ảnh đã giúp gia tăng đáng kể về tốc độ và số lượng chẩn đoán bệnh nhân COVID-19. Mã QR và các ứng dụng truy vết đã giúp ngăn chặn sự lây lan. Hội nghị truyền hình, bảng trắng trực tuyến và các công cụ năng suất khác đã cho phép nhiều người trong chúng ta làm việc tại nhà sau khi có lệnh cách ly xã hội. Điều này cũng tương tự như vậy với giáo dục kỹ thuật số. Tất cả đều được củng cố bởi cơ sở hạ tầng kỹ thuật số khi nhu cầu sử dụng tăng cao. Ngành ICT đã đến để giải cứu chúng ta vào thời điểm cần thiết" – ông Andrew nhấn mạnh - "Do đó, sự gia tăng sử dụng các giải pháp kỹ thuật số của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đã đưa xã hội đến ngưỡng của "Nền kinh tế thông minh". Nhận thức được mô hình mới này, một số chính phủ khai sáng đã đặt lĩnh vực kỹ thuật số vào trọng tâm của các kế hoạch phục hồi kinh tế vĩ mô của họ".
Ông nêu ví dụ về hai công ty có quy mô trung bình ở Trung Quốc: "Đầu tiên là một đại lý mỹ phẩm với hàng trăm cửa hàng bán lẻ. Tuy nhiên trong đại dịch, 40% cửa hàng đóng cửa khiến họ chao đảo một thời gian. Sau đó, họ chuyển tất cả hoạt động kinh doanh trực tiếp sang kinh doanh trực tuyến. Tất cả nhân viên tư vấn mỹ phẩm chuyển sang sử dụng công cụ online như WeChat để tương tác với khách hàng. Họ từng bước khôi phục hoạt động và còn phát triển mạnh mẽ hơn. Đặc biệt tại Vũ Hán, khu vực phát sinh đại dịch và bị ảnh hưởng nặng nề nhất, công ty này đạt tốc độ tăng trưởng 200% trong năm nay so với 2019 nhờ chuyển sang mô hình trực tuyến".
Ví dụ thứ hai là nền tảng khám chữa bệnh We Doctor. Trong COVID-19, người bệnh thường e ngại đến bệnh viện, còn các cơ sở y tế cũng bị quá tải. Vì vậy, We Doctor cung cấp một hệ thống video để bệnh nhân tương tác trực tiếp với bác sĩ từ xa, nhờ đó đạt tốc độ tăng trưởng 36% với hơn 10 triệu bệnh nhân sử dụng thường xuyên.
"Động lực cho chuyển đổi số là rõ ràng và nhu cầu đón nhận sự thay đổi chưa bao giờ lớn hơn thế. Tuy nhiên, các quốc gia sẽ chỉ nhận ra những lợi ích đầy đủ của sự chuyển đổi này nếu các chiến lược kỹ thuật số của họ được xây dựng dựa trên thế mạnh của riêng họ và các chính sách kỹ thuật số của họ được ưu tiên, nhắm mục tiêu và hiệu quả. Có rất nhiều điều mà các chính phủ có thể học hỏi lẫn nhau và từ các hãng dẫn đầu về công nghệ khu vực tư nhân như Huawei để tối đa hóa sự phục hồi kinh tế theo hướng kỹ thuật số của họ và xây dựng nền kinh tế tốt hơn cho tất cả mọi người", ông Andrew Williamson nói.
Để chuyển đổi số hiệu quả, Phó Chủ tịch Huawei cũng đưa ra 4 lời khuyên cho các doanh nghiệp.
Lời khuyên đầu tiên là khi thực hiện chuyển đổi số hoặc đầu tư vào các công nghệ mới, thường là ROI (lợi ích đầu tư - tỷ suất hồi vốn đầu tư) bao giờ cũng rất hiệu quả và dương, đặc biệt là những doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện, theo một phương thức nhất quán. Thay vì làm từng phần, họ chuyển đổi số một cách toàn diện, sẽ thường có ROI rất tốt.
Lời khuyên thứ hai cho thấy rằng việc đầu tư vào những công nghệ mới sẽ mang lại những hiệu quả rất tốt. Các doanh nghiệp đừng chờ đợi mà hãy chuyển đổi số ngay, vì chuyển đối số trong các ngành thường mang lại hiệu quả như năng suất lao động, và các doanh nghiệp đi đầu trong việc chuyển đổi số trong các ngành thường có lợi ích lớn hơn so với các doanh nghiệp đi theo đuôi sau. Họ gọi đây là những người đi đầu, và những doanh nghiệp này thường đạt được năng suất lao động tăng khoảng 70%, trong khi những người đi sau, theo đuôi thì thường chỉ đạt được năng suất khoảng 30% thôi.
Trong khi đó, chuyển đổi số là một quá trình liên tục. Một khi đã bắt đầu chuyển đổi số, các doanh nghiệp cũng phải duy trì lộ trình một cách thường xuyên và phải linh hoạt để thích ứng với thực tế.
Thứ ba là chuyển đối số không phải một giải pháp vạn năng, hay giải pháp chung cho tất cả các ngành. Mỗi doanh nghiệp ở những ngành khác nhau sẽ có những đặc thù khác nhau, do đó sẽ có những kiểu chuyển đổi số khác nhau. Chẳng hạn như ngành công nghiệp nặng như sản xuất, chế tạo thường sẽ ứng dụng chuyển đổi số làm tự động hóa, robot, Internet vạn vật để nâng cao được hiệu quả làm việc cũng như hiệu suất trong quá trình làm việc. Trong khi đó, những ngành ít dựa vào tài sản vật chất như du lịch thì sẽ sử dụng các công nghệ như di động hoặc mạng xã hội để nâng cao hiệu suất hoạt động. Như vậy cũng có thể nói là chuyển đổi số cần dựa vào đặc thù khác nhau của các doanh nghiệp để có những giải pháp, ứng dụng công nghệ phù hợp.
Lời khuyên thứ tư trong nghiên cứu đó là đừng tự mình làm tất cả. Vì không ai có đủ kinh nghiệm và năng lực công nghệ để thực hiện chuyển đổi số một mình. Thứ nhất là có thể nhờ sự trợ giúp của chính phủ. Trong suốt nhiều năm qua, các chính phủ trên thế giới, trong khu vực đã ý thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số và rất quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp. Ví dụ như Chính phủ Singapore đã hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện chuyển đổi số. Bên cạnh đó, chính phủ Malaysia cũng đưa ra những chính sách về môi trường, chính sách về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chính sách phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp để thực hiện chuyển đổi số.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!