Công nghệ thông tin là cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0

Khánh Nguyễn-Thứ ba, ngày 11/04/2017 12:15 GMT+7

Công nghệ thông tin được cho là cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0.

VTV.vn - Theo người phát ngôn của Bộ KH&CN, cách mạng công nghiệp 4.0 hội tụ nhiều công nghệ trong đó cốt lõi là công nghệ thông tin.

Từ năm 2016, Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos có nhắc đến sự ra đời của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trước đó, cách mạng công nghiệp lần thứ nhất là sự xuất hiện của cơ khí hóa vào năm 1784 với máy chạy bằng thủy lực và hơi nước; thay sức người, sức ngựa bằng sức máy.

Cách mạng công nghiệp lần thứ hai xuất hiện năm 1870 với dây chuyền sản xuất hàng loạt nhờ điện và động cơ điện. Đến năm 1969, cách mạng công nghiệp lần thứ ba ra đời đánh dấu kỷ nguyên của máy tính và tự động hóa, còn được biết tới với tên gọi cách mạng số hóa.

Công nghệ thông tin là cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0 - Ảnh 1.

Cách mạng công nghiệp 4.0 là kỷ nguyên vạn vật kết nối Internet.

Về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đánh dấu kỷ nguyên vạn vật kết nối Internet, có nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là sự tiếp nối cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra với tốc độ cao.

Nhìn lại các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, có thể nhận thấy đó là sự hội tụ của các công nghệ mới, khi đạt đến ngưỡng phát triển sẽ tạo sức bật, nền tảng sản xuất mới. Theo ông Bùi Thế Duy – Chánh Văn phòng đồng thời cũng là người phát ngôn của Bộ Khoa học và Công nghệ thì cách mạng công nghiệp 4.0 chính là sự hội tụ của nhiều công nghệ mới trong đó cốt lõi là công nghệ thông tin. Do đó, Chính phủ đã giao cho Bộ KH&CN thay vì Bộ TT&TT làm đầu mối triển khai nghiên cứu về cách mạng 4.0.

"Từ tháng 11/2016, Chính phủ đã giao cho Bộ KH&CN làm đầu mối phối hợp với các Bộ ngành để nghiên cứu, đánh giá bản chất cuộc cách mạng công nghiệp cũng như thực trạng của cách mạng công nghiệp 4.0, qua đó đề xuất phương án tiếp cận và tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp, tìm kiếm phương án hạn chế những tác động tiêu cực đến Việt Nam.

Từ đó đến nay, Bộ KH&CN đã phối hợp với các bộ ngành, các ngành công nghệ của các nước trên thế giới, với các chuyên gia trong và ngoài nước, tổ chức nhiều hội thảo, chuẩn bị báo cáo lên Chính phủ. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã báo cáo Chính phủ về vấn đề này đồng thời đề xuất ra định hướng tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư", ông Duy cho biết.

Công nghệ thông tin là cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0 - Ảnh 2.

Ông Bùi Thế Duy – Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ về cách mạng công nghiệp 4.0

Theo người phát ngôn của Bộ KH&CN, thoạt tiên nhiều người cho rằng đây mới là lần đầu Việt Nam tiếp cận với vấn đề này nhưng thực tế Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đều đã có chỉ đạo, định hình hướng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: "Đó là Chỉ thị của Ban Bí thư về công nghệ sinh học, Nghị quyết về phát triển nước mạnh về công nghệ thông tin, Nghị quyết về phát triển KHCN, và gần đây là Nghị quyết 05 của BCH Trung ương Đảng về đổi mới môi trường tăng trưởng, trong đó nhấn mạnh đến nâng cao năng lực hội tụ công nghệ của DN. Qua đó, chúng ta cần phải rà soát lại, điều chỉnh lại, nhấn mạnh lại để có hướng phù hợp để tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 này. Đó cũng là đề xuất của Bộ KH&CN để Chính phủ giao các Bộ ngành thực hiện".

Vị cán bộ có nhiều kinh nghiệm và giành nhiều thành tích cao trong lĩnh vực CNTT cho biết thêm: "Bộ KH&CN tiếp tục được giao nhiệm vụ điều phối ngành ở địa phương, giữ vai trò lớn với các DN bên ngoài như hiệp hội Tin học Việt Nam, hiệp hội Vinasa và các DN CNTT lớn triển khai liên quan tới hạ tầng CNTT, ứng dụng CNTT vào du lịch thông minh, nông nghiệp công nghệ cao.

Cuối năm 2017, Bộ KH&CN sẽ đánh giá lại tình hình triển khai, định hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của các bộ ngành. Đặc biệt trong đó, Bộ TT&TT là chủ chốt trong việc tiếp cận cuộc cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này".

Chia sẻ về hướng tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, Chánh văn phòng Bộ KH&CN khái quát: "Như đã nói, cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 xảy ra dựa trên sự hội tụ của nhiều công nghệ trong đó có công nghệ cốt lõi có công nghệ thông tin với sự phát triển không ngừng của công nghệ Internet từ thời kỳ kết nối nội dung như email đến mạng xã hội, Internet vạn vật, Internet kết nối thiết bị máy móc kết nối quá trình vận hành của các nhà máy. Ngoài công nghệ cốt lõi còn có sự hội tụ của công nghệ in 3D, công nghệ vật liệu tiên tiến, công nghệ lưu trữ…".

Công nghệ thông tin là cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0 - Ảnh 3.

Xe tự hành có thể được sử dụng phổ biến vào năm 2025. Ảnh minh họa: wordlesstech.com

Ước tính đến năm 2020, sẽ có 50 tỷ vật thể được kết nối Internet trên toàn cầu. Một ví dụ đơn giản mà nhiều người có thể tin tưởng cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến đó chính là ngôi nhà thông minh ở kỷ nguyên vạn vật kết nối Internet. Theo đó, ngôi nhà sẽ có "tai, mắt" thậm chí là cả "trí não". Thông qua lịch làm việc trên smartphone kết nối với ngôi nhà, các cảm biến sẽ dựa trên chỉ số huyết áp và nhịp tim của chủ nhân, từ đó căn nhà sẽ tự động chuyển từ thể loại nhạc rock yêu thích thường nghe sang giai điệu du dương. Trên thực tế, đó là hình mẫu ngôi nhà thông minh mà nhiều hãng công nghệ đang phát triển.

Ngoài ra, cách mạng công nghiệp 4.0 còn ghi nhận xe ô tô tự hành, trí tuệ nhân tạo, công nghệ in 3D… Thậm chí, ngay tại Olympic 2020 sắp tới, chủ nhà Nhật Bản dự kiến sẽ đưa đón quan khách, các vận động viên bằng xe tự hành, chạy bằng pin năng lượng mặt trời tới các điểm thi đấu.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 đang thay đổi Việt Nam như thế nào? Cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 đang thay đổi Việt Nam như thế nào?

VTV.vn- Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dự báo sẽ là một xu thế lớn có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội mỗi quốc gia, từng khu vực, và toàn cầu, trong đó có Việt Nam.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước