Là một trong số ít những đạo diễn thuộc thế hệ 8x của Đài Truyền hình Việt Nam, có tới gần 20 năm gắn bó với Đài truyền hình, lăn lộn từ mảng các chương trình hài, giải trí của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) rồi tới các chương trình văn nghệ, dân gian của Ban Văn nghệ và tới nay là một đạo diễn trẻ, Phan Duy Linh lại đau đáu với những dự định trước cơn bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Là một đạo diễn trẻ, theo sát được các ứng dụng công nghệ mới nhất, anh thấy cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã thay đổi gì đối với truyền hình Việt Nam?
Thay đổi rõ nét nhất mà tất cả chúng ta đều nhận ra là cách thức xem truyền hình, đặc biệt của khán giả trẻ đã thay đổi. Họ không còn nhiều thời gian để bật TV và kiên nhẫn ngồi hàng giờ để đón xem những gì họ thích. Giờ đây, bao quanh khán giả trẻ là một thế giới số với những Facebook, YouTube, Instagram... Họ có thể lựa chọn xem những điều họ thích hoặc những thứ được cập nhật tới máy điện thoại của họ. Nói chung, với những người trẻ, tivi bây giờ đã thu gọn lại trong chiếc smartphone bỏ túi hàng ngày.
Phải chăng đây là một sự chuyển dịch mang tính toàn cầu?
Tôi cũng đã có dịp khảo sát điều này ở rất nhiều quốc gia gần đây tôi ghé tới. Ở Hàn Quốc và Nhật Bản, gần như chiếc điện thoại thông minh là kênh giao tiếp duy nhất của những người trẻ với thế giới, thậm chí cả những người ở độ tuổi 50 - 60 tuổi ở các nước này họ cũng cập nhật mọi nguồn tin tức, giải trí thông qua điện thoại của mình. Điều này cũng đúng với những quốc gia ngay cạnh chúng ta như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore...
Đạo diễn Phan Duy Linh trên phim trường
Nhưng tại sao khán giả trẻ lại là đối tượng chủ yếu ở đây?
Rõ ràng khán giả trẻ là lớp khán giả có số lượng đông đảo nhất trong xã hội. Họ là nhóm chủ lực trong việc tạo ra của cải, vật chất cho xã hội và cũng đặc biệt quan trọng mà những người làm truyền hình cần hướng tới. Dưới góc nhìn kinh tế học, đây là những người tiêu dùng đông đảo nhất của xã hội và nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà tài trợ. Đứng từ góc nhìn truyền thông, quảng bá, việc đưa những đường lối, chính sách và việc tuyên truyền đến lớp trẻ cũng không kém phần quan trọng. Vậy tại sao chúng ta không chú trọng đặc biệt đến lớp đối tượng này?
Vậy hiểu được xu hướng dịch chuyển của truyền hình thời 4.0, những đạo diễn, đặc biệt là đạo diễn trẻ cần có sự thay đổi thế nào trong định hướng của bản thân?
Hiện nay, Đài Truyền hình Việt Nam rất nhạy bén trong việc đưa các chương trình của mình lên các ứng dụng VTV News, VTVgo hay VTV Giải trí từ rất sớm. Rất nhiều người sử dụng smartphone đã tải và cài đặt các ứng dụng đó. Chúng tôi cũng rất quan tâm tới việc đưa nội dung lên các mạng xã hội như Facebook, Tiktok, YouTube... Trong xu hướng sản xuất các chương trình số, phát trên điện thoại, cách thức tư duy "hướng tới khán giả", lấy khán giả làm trọng tâm càng cần được chú trọng một cách triệt để.
Theo khảo sát và theo quan điểm của cá nhân tôi, khán giả trẻ hiện nay họ có xu hướng thích tiếp cận với những sản phẩm truyền thông có thời lượng ngắn và có nội dung kịch tính cao hoặc có nội dung hài hước, mang tính giải trí. Nếu tôi được lựa chọn xu hướng, tôi sẽ lựa chọn xu hướng hài. Nó vừa dễ thu hút khán giả trẻ, có tính "viral" - tức là tính lan truyền cao trong cộng đồng mạng xã hội. Tính viral là một đặc tính gần như được quan tâm hàng đầu trong các sản phẩm truyền hình online. Và bản thân các video clip hài cũng có thể gửi gắm vào đó rất nhiều tính giáo dục, tính hướng thiện...
Xin cảm ơn anh!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!