Nhiều người dùng Internet tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung thường có thói quen chỉ đọc tiêu đề các bài báo hoặc bài viết trên mạng Internet, sau đó chia sẻ lại các bài viết này trên mạng xã hội.
Lợi dụng điều này, nhiều trang báo điện tử hoặc trang web đã sử dụng các tiêu đề gây sốc hoặc "giật tít", nhưng nội dung bài viết bên trong lại không hoàn toàn khác với tiêu đề, nhằm đánh lừa người dùng chia sẻ các bài viết này trên mạng xã hội, góp phần chia sẻ các thông giả mạo hoặc thiếu chính xác.
Hộp thoại nhắc nhở hiện ra, đề nghị người dùng đọc nội dung của bài viết, trước khi chia sẻ lên Facebook.
Để hạn chế tình trạng người dùng chỉ đọc tiêu đề các bài báo hoặc bài viết trên mạng Internet, sau đó chia sẻ lại đường link của trang web mà không cần đọc nội dung bên trong, Facebook đang thử nghiệm một tính năng mới, đề nghị người dùng đọc nội dung bài viết trước khi quyết định chia sẻ đường link của một trang web.
"Bắt đầu từ hôm nay, chúng tôi sẽ thử nghiệm một cách thức để thúc đẩy việc chia sẻ nhiều thông tin hơn về các bài báo", Facebook cho biết trên trang blog chính thức của công ty. "Nếu người dùng chia sẻ một đường link bài viết mà họ chưa từng mở bài viết đó ra để đọc, một hộp thoại sẽ hiện ra yêu cầu họ đọc nội dung bài viết đó trước khi quyết định chia sẻ nó cho người khác".
Đây được xem là giải pháp để Facebook hạn chế việc người dùng chia sẻ các bài báo hoặc trang web thiếu chính xác, mang nội dung gây hiểu nhầm chỉ dựa vào tiêu đề của bài báo đó.
Facebook không phải là mạng xã hội đầu tiên sử dụng tính năng này để hạn chế tin tức giả mạo lan truyền. Hồi tháng 6 năm ngoái, mạng xã hội Twitter cũng đã thử nghiệm tính năng yêu cầu người dùng phải đọc nội dung của trang web trước khi quyết định chia sẻ đường link lên Twitter. Có vẻ như tính năng này đã phát huy tác dụng nên được Twitter chính thức áp dụng cho toàn thể người dùng của mình sau khi thử nghiệm được 3 tháng.
Tuy nhiên, tính năng của Facebook và Twitter về cơ bản chỉ là một hộp thoại nhắc nhở người dùng nên đọc nội dung của bài viết trước khi chia sẻ, chứ không phải là một hạn chế, nghĩa là người dùng có thể bỏ qua lời nhắc này và tiếp tục chia sẻ đường link lên mạng xã hội, bất kể việc họ đã đọc nội dung đó hay chưa.
Hiện tính năng mới đang được Facebook thử nghiệm trên một nhóm người dùng trước khi quyết định có áp dụng cho người dùng toàn cầu hay không.
Thông tin giả mạo, thiếu chính xác… luôn là vấn đề khiến các nền tảng mạng xã hội "đau đầu", dù các trang mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter, Youtube… đã áp dụng nhiều giải pháp khác nhau để hạn chế và ngăn chặn các thông tin này. Để môi trường mạng xã hội trở nên "sạch" và an toàn hơn, đòi hỏi cần có sự chung sức của người dùng, khi cần phải có ý thức hơn trong việc chọn lọc và chia sẻ các thông tin lên mạng xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!