"Sau lệnh cấm, chúng tôi đã tìm ra những giải pháp cho phần lớn các linh kiện được mua từ Mỹ. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất là các dịch vụ của Google. Chúng tôi có thể tiếp tục sử dụng nền tảng Android vì đó là mã nguồn mở. Nhưng chúng tôi không thể sử dụng các dịch vụ mà Google cung cấp chạy trên nền tảng này", bà Joy Tan, Phó chủ tịch mảng quan hệ công chúng của Huawei Mỹ cho biết.
Bà Joy Tan, Phó chủ tịch mảng quan hệ công chúng của Huawei Mỹ
Điều này có phần trái ngược với những tuyên bố tự tin về việc có thể tự tự lực phát triển mà không cần đến công nghệ hay linh kiện Mỹ đưa ra trước đó của Huawei.
Vào tháng 5 vừa qua, Tổng thống Trump ký sắc lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông mà Bộ Thương mại coi là rủi ro với an ninh quốc gia. Sau đó, Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei và nhiều chi nhánh của hãng này vào danh sách những bên bị cấm mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ, nếu không có sự chấp thuận của Chính phủ.
Hiện tại người dùng smartphone Huawei vẫn có thể truy cập vào kho ứng dụng Google Play, cũng như sử dụng các ứng dụng quen thuộc như Goolgle Maps, YouTube và các sản phẩm khác của Google Mobile Services cung cấp. Điều này là bởi Chính phủ Mỹ nới lệnh cấm cho phép các công ty công nghệ Mỹ được bán hàng trở lại với cho Huawei. Thời điểm hết hạn cho lần nới lệnh cấm mới nhất là vào cuối năm nay.
Việc thay thế Android nói chung và các ứng dụng của Google nói chung vẫn là một thách thức lớn của Huawei
Song những thiết bị mới ra mắt của Huawei sẽ không được hưởng lợi từ điều này. Tiêu biểu như người dùng Mate 30 Series không thể truy cập kho ứng dụng Google Play, cũng như sử dụng các ứng dụng như Goolgle Maps, YouTube…
Điều này là thách thức rất lớn cho Huawei tại các thị trường ở ngoài Trung Quốc.
"Có rất nhiều người ở châu Âu hay Đông Nam Á đã quá quen thuộc với các ứng dụng của Google trên các mẫu smartphone Android", bà Joy Tan thừa nhận.
Để không còn phục thuộc vào Android cũng như các ứng dụng của Google, Huawei đã phát triển hệ điều hành của riêng mình có tên là HarmonyOS. Tuy nhiên theo bà Joy Tan, Huawei vẫn còn một chặng đường dài ở trước mắt.
Khi được hỏi liệu HarmonyOS có thể thay thế các dịch vụ của Google hay không, bà Joy Tan nói rằng: "Có. Song trước mắt Huawei phải xây dựng một hệ sinh thái đủ mạnh cho hệ điều hành của mình. Và điều này cần phải có thời gian".
Trong báo cáo kết quả kinh doanh mới công bố, Huawei đã bán được 185 triệu smartphone trong 9 tháng đầu năm 2019, tăng 26% so với cùng giai đoạn năm 2018. Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng đó là do hầu hết sản phẩm của hãng vẫn có dịch vụ của Google. Thời gian tới, khi không còn dịch vụ Google nữa, doanh số smartphone Huawei có thể bị ảnh hưởng lớn.
Người dùng Mate 30 Series không truy cập được kho ứng dụng Google Play cũng như các ứng dụng của Google
Bà Joy Tan cho biết Huawei đã cố gắng để có được một phiên điều trần ở Washington nhằm khẳng định với chính phủ Mỹ việc hãng không mua bán các thiết bị nhạy cảm và có hại đến an ninh quốc gia như cáo buộc, cũng như để phục vụ tốt hơn các khách hàng viễn thông của mình. Nhưng cho đến nay, chưa hề có cuộc họp nào diễn ra.
"Chúng tôi chưa hề nói chuyện với bất cứ ai trong Chính phủ Mỹ, dù rất muốn làm điều đó", bà Joy Tan chia sẻ.
Tuy nhiên bà Joy Tan khẳng định, hiện có rất nhiều công ty Mỹ nộp đơn lên Chính phủ nước này để mong được tiếp tục hợp tác với Huawei, bao gồm Google.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!