Trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, với sự phát triển vũ bão của công nghệ, chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng luật pháp phải đuổi theo sự phát triển của công nghệ.
Vụ bê bối thu thập thông tin trái phép người dùng Facebook của Cambridge Analytica chỉ là giọt nước làm tràn ly. Vấn đề không chỉ nằm ở bảo mật thông tin mà là mô hình hay triết lý kinh doanh mà các công ty công nghệ như Facebook, Google đang theo đuổi.
Họ sử dụng dữ liệu của người dùng, thông qua phân tích hành vi để phục vụ cho việc tối ưu hóa lợi nhuận nhờ bán quảng cáo. Tác động xã hội của các công ty công nghệ này quá lớn, bởi người dùng chỉ cần click vào các đường link đã trao cho họ quá nhiều quyền riêng tư.
Một cuộc trao đổi diễn ra chóng vánh, chỉ vài cái nhấp chuột, một số thông tin cá nhân cơ bản người dùng đã có thể tiếp cận những tiện ích của Facebook, Google... nhưng mọi chuyện tiếp theo đó lại không đơn giản như vậy.
Trong thời đại kết nối như hiện nay, dữ liệu được coi là nguồn tài nguyên có tầm quan trọng không kém gì dầu mỏ, vàng. Các công ty sử dụng dữ liệu của người dùng để hỗ trợ cho quảng cáo, thu lợi hàng tỷ USD.
Tuy vậy, việc sử dụng dữ liệu lại không dừng lại ở đó, chúng còn được dùng để tác động tới quan điểm, ý kiến và thậm chí truyền bá các tư tưởng chính trị. Đặc biệt trong bối cảnh mạng xã hội đang trở thành kênh thông tin chính của nhiều người dân.
Lấy cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ làm ví dụ, những người ủng hộ ông Donald Trump sẽ thường nhấp like vào các nội dung về phản đối phá thai hoặc của các tổ chức vận động về súng. Thế là trên news feed của họ tràn ngập những nội dung kiểu như vậy. Vấn đề nằm ở chỗ, người dùng lại thường bị bó hẹp trong những thông tin mang tính một chiều.
Điều khiến người ta lo lắng là sự miễn nhiễm của các nền tảng công nghệ khổng lồ, đặc biệt là Facebook, Google trước các vấn đề pháp lý. Khác với các nhà xuất bản thông thường, Facebook và Google thường ít khi phải chịu trách nhiệm trước những nội dung mà người dùng đăng tải lên nền tảng của họ.
Với xu hướng dữ liệu bùng nổ thời đại số, các công ty công nghệ sử dụng nguồn tài nguyên này sẽ không ngừng sử dụng sức mạnh của mình để bảo vệ và mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trước sự thiệt thòi của người dùng. Nhiệm vụ của các nhà lập pháp không đơn giản vì làm thế nào để kiềm chế những công ty như vậy mà lại không làm cản trở tới sự phát triển của công nghệ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!