Bphone: Từ màn chào sân "bá đạo" đến màn ra mắt khiêm nhường
Năm 2015, Bphone ra mắt đầy khí thế và gây tiếng vang lớn trong làng công nghệ Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó, khi sản phẩm lên kệ và đến tay người tiêu dùng, hàng loạt lỗi được phát hiện và nhiều người cho rằng, những mỹ từ mà CEO Nguyễn Từ Quảng dành cho Bphone – chiếc điện thoại "made in Vietnam" đình đám dường như không phù hợp.
Về phần cứng, pin Bphone bị cho là yếu và nhanh sụt pin, liên tục báo đóng ứng dụng. Nhiều độc giả phản ánh, Bphone mới rơi nhẹ đã nứt màn hình, liệt cảm ứng. Thậm chí, không va chạm nhưng cảm ứng cũng không nhạy như lời quảng cáo, không bằng những chiếc điện thoại cảm ứng giá rẻ khác trên thị trường. Ngoài ra, người dùng còn ghi nhận bluetooth và wifi của Bphone kém khi so sánh với một chiếc smartphone phổ thông khác khi cùng truy cập 1 trang web và bắt sóng cùng một nguồn phát wifi.
Về phần mềm, độc giả phản ánh khi sử dụng Bphone có hiện tượng lag, giật màn hình, đôi khi tự chạy các app và xuất hiện tình trạng treo máy. Ngoài ra, người dùng chưa hài lòng với chất lượng ảnh được chụp bằng Bphone.
Trước, trong và sau lễ ra mắt Bphone, nguồn gốc xuất xứ của chiếc điện thoại được CEO Nguyễn Từ Quảng quảng cáo là do người Việt nghiên cứu và sản xuất không được cung cấp rõ ràng, minh bạch. Nhiều người còn tỏ ra thất vọng khi một số hình ảnh được cho là nhà máy sản xuất ra Bphone.
Chiếc Bphone không được giới công nghệ đánh giá cao sau khi ra mắt.
Độc giả Bluetooth99 bày tỏ: "Thứ nhất: khát khao của người Việt chỉ được thỏa mãn khi nó thực sự là sản phẩm của người Việt, do người Việt làm chủ công nghệ.
Thứ hai: người Việt chỉ có thể tự tin, tự hào hơn về trí tuệ và giá trị của mình nếu thật sự những giá trị ấy là do người Việt tạo ra, chứ không phải lấy thành quả của người khác, chỉnh sửa sơ sài rồi gắn mác người Việt. Người Việt không tự hào trước những thông tin lấp liếm, thiếu trung thực".
Theo đó, có thể coi, Bphone đã có màn chào sân thất bại dù rằng CEO Nguyễn Từ Quảng đã biến sự kiện ra mắt "siêu phẩm" này trở thành ngày hội của làng công nghệ Việt đi kèm sự háo hức chưa từng có.
Tuy nhiên, khác với lần trước, trong màn ra mắt Bphone 2 sắp tới, BKAV không làm rùm beng sự kiện và cũng không nhiều thông tin được tiết lộ trước giờ G. Có chăng, người tiêu dùng chỉ biết tới màn bắt tay hợp tác giữa CEO Nguyễn Từ Quảng và Giám đốc ngành hàng viễn thông đi động Thế Giới Di Động Đoàn Văn Hiểu Em để phân phối rộng rãi chiếc Bphone 2 sau khi ra mắt.
Bphone 2 ra mắt: Hàng "made in Vietnam" có cần được ưu tiên?
Bphone không phải là chiếc điện thoại thông minh đầu tiên và duy nhất do Việt Nam sản xuất.
Ở giai đoạn 2009 – 2010, Q-Mobile của Viễn thông An Bình (ABTel), Hi-mobile của HIPT hay Bluefone của CMC, các smartphone dòng F của FPT… đã lần lượt trình làng.
Cùng với đó, HKPhone gia nhập danh sách điện thoại thương hiệu Việt với nhiều mẫu smartphone giá rẻ, cấu hình cao, cạnh tranh với hai hãng di động trong nước Q-mobile và Mobiistar. Ngoài ra, ở khu vực phía Nam cũng khá thịnh hành dòng sản phẩm của Mobell với mức giá bình dân.
Hiện tại, ngoài Bphone, chiếc smartphone của Asanzo với tên gọi Z5 được bán với giá dưới 5 triệu đồng. Sản phẩm này được lắp ráp hoàn toàn tại Việt Nam. Được biết, Asanzo đã đầu tư một nhà máy lắp ráp smartphone tại quận Tân Bình, TP.HCM.
Tháng 7/2017, VNPT Technology đã ra mắt chiếc smartphone Vivas Lotus S3 LTE. Vivas Lotus S3 LTE là sản phẩm thứ 5 thuộc dòng điện thoại smarphone Vivas Lotus,
Trong khi đó, Tập đoàn Viettel được cho là đang sản xuất mẫu smartphone cao cấp có thể chống nghe lén đầu tiên do chính Viettel sản xuất, mang tên Viettel Luxury Phone.
Dù một số thương hiệu điện thoại Việt đã biến mất trên thị trường nhưng rõ ràng vẫn còn những thương hiệu tồn tại và duy trì doanh số bán hàng khá tốt. Điều này đồng nghĩa với việc người Việt Nam luôn sẵn sàng ủng hộ sản phẩm sản xuất trong nước. Nhưng dĩ nhiên, người tiêu dùng thời đại công nghệ số luôn có sự lựa chọn khôn ngoan. Và Bphone nếu muốn cạnh tranh thì trước hết phải lấy lại cảm tình từ người tiêu dùng sau "cú sốc" năm 2015 và phải đưa chiếc Bphone 2 trở về giá trị thực.
Bphone 2 liệu có chiếm được cảm tình của người tiêu dùng Việt?
Chị Thùy Mai (TPHCM) cho hay: "Nếu nói ủng hộ hàng Việt Nam thì trước hết điều đầu tiên là phải quan tâm tới chất lượng và giá cả hợp túi tiền. Quảng cáo là đẳng cấp quốc tế, cạnh tranh với Apple, Samsung thì chất lượng có tương đương không, hay ít nhất chất lượng phải tương đương với giá thành. Theo tôi, sau đợt ra mắt Bphone, có lẽ chỉ có đại gia mua về chơi hoặc là người có lòng bao dung cao cả mới quyết định mua ngay Bphone 2".
Đồng quan điểm, anh Anh Dũng (Hà Nội) khẳng định, dù có yêu quý hàng Việt Nam tới đâu nhưng giá "trên trời" thì cũng khó có thể khiến người tiêu dùng móc hầu bao: "Năm trước, Bphone 1 giá quá cao nên nhiều người ngại ngần về một sản phẩm chưa thể so sánh với iPhone, Samsung nhưng giá cũng chẳng kém cạnh là bao. Với cấu hình như thế, ít nhất, giá bán cũng phải tương đương mới có người mua. Với Bphone 2, nếu là hàng bình dân mà giá như ‘siêu phẩm" thì không thể kêu gọi sự ưu tiên của người tiêu dùng mua một sản phẩm nội như thế".
Cùng với các mặt hàng khác, nhiều độc giả cũng bảy tỏ quan điểm nếu điện thoại chất lượng đi đôi với giá cả phải chăng sẽ dần chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Hiện có rất nhiều sản phẩm, thương hiệu trong và ngoài nước được bày bán khiến sự cạnh tranh trở nên gay gắt, do đó, tất cả đều được quyết định bởi quy luật cung – cầu và những đánh giá khách quan từ các yếu tố của sản phẩm để dẫn tới hành vi tiêu dùng. Với Bphone 2, nhiều người đang chờ đợi, thăm dò và đưa lên bàn cân để đánh giá sản phẩm liệu có đủ sức thuyết phục họ rút hầu bao ra hay không.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!