Những chiếc điện thoại thông minh đã trở nên quá quen thuộc trong cuộc sống thường nhật của nhiều người. Bên cạnh những tính năng ngày càng ưu việt, không thể không kể đến các ứng dụng hỗ trợ đi kèm trên chính những chiếc điện thoại này.
Đôi giày thông minh mang tên Digitsole có thể làm ấm chân người đi, phát sáng hay tự điều chỉnh theo kích cỡ chân người dùng. Đặc biệt, người dùng không cần cúi người xuống bởi tất cả sẽ được điều chỉnh tự động chỉ bằng một ứng dụng trên chiếc điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android hay iOS.
Tại London, một ứng dụng du lịch thực tế ảo đã ra đời với tên gọi Timelooper. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh và một bộ kính thực tế ảo, ứng dụng sẽ đưa khách tham quan du hành ngược thời gian và trải nghiệm những khoảnh khắc lịch sử đáng nhớ của thủ đô nước Anh.
Vào tháng 2, các nhà sáng chế tại Jerusalem đã phát triển chiếc điện thoại thông minh cảm ứng mà không cần chạm đầu tiên trên thế giới mang tên Sesame. Máy chỉ sử dụng camera trước nhận diện chuyển động của đầu và giọng nói của người dùng để điều khiển.
Tại Nhật Bản, một công nghệ mới giúp gọi đồ ăn nhanh hơn và dễ dàng hơn. Chỉ cần cài đặt một ứng dụng trên máy tính bảng hay điện thoại, sau khi gọi món, đặt điện thoại lên miếng lót thông minh, thiết bị sẽ tự động xác định vị trí của bạn, giúp người phục vụ bê đồ đúng chỗ.
Công nghệ nhận diện mống mắt đang ngày càng phát triển. Trước xu hướng đó, công ty công nghệ Irisbond đã tích hợp công nghệ nhận biết chuyển động mắt vào các thiết bị di động thông thường, cho phép những người khuyết tật có thể soạn thảo văn bản và giao tiếp.
AimBrain, một công ty khởi nghiệp tại London, đang làm thay đổi cách thức truy cập thông tin cá nhân dựa trên công nghệ sinh trắc học. Chỉ với ứng dụng do công ty phát triển, người dùng có thể truy cập thông tin tài chính bằng khuôn mặt thay vì phải nhớ các loại mật khẩu như thông thường.
Chỉ trong vòng 15 phút, nhờ ứng dụng mang tên Blinkist trên điện thoại, người dùng có thể nắm được nội dung của cả một cuốn tiểu thuyết. Mỗi cuốn sách được tóm lược những phần thiết yếu và thú vị nhất, trở thành một bản đọc ngắn gọn, dễ hiểu. Ứng dụng thích hợp với những người quá bận rộn mà vẫn yêu thích đọc sách.
Tại Indonesia xuất hiện một ứng dụng giúp người tiêu dùng lựa chọn hải sản "bền vững". Hải sản được phân loại thành: đang bị đe dọa, không nên khai thác hay phát triển tốt, có thể tiêu thụ. Đây cũng là cách để tuyên truyền về sự quan trọng của việc bảo vệ đại dương tới người dân.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!