Đại dịch COVID-19 thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển thành phố thông minh

P.L-Thứ ba, ngày 02/11/2021 14:16 GMT+7

Hội nghị cấp cao Thành phố thông minh Việt Nam - ASOCIO 2021 được tổ chức dưới hình thức trực tuyến

VTV.vn - Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, trong bối cảnh dịch COVID-19, phát triển đô thị thông minh không thể tách rời mà phải gắn kết chặt với quá trình chuyển đổi số tại địa phương.

Ngày 2/11, Hội nghị cấp cao Thành phố thông minh Việt Nam - ASOCIO 2021 đã chính thức khai mạc. Sự kiện diễn ra từ ngày 2 - 6/11 dưới hình thức trực tuyến với 5 chuyên đề gồm: chính quyền số; bất động sản thông minh; khu công nghiệp thông minh; sản phẩm, giải pháp số cho thành phố thông minh; start-up với thành phố thông minh.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA - nhấn mạnh, xây dựng thành phố, đô thị thông minh hiện không chỉ là xu thế tất yếu mà là nhu cầu bức thiết của các đô thị tại Việt Nam và trên thế giới. Đại dịch COVID-19 bùng phát gần 2 năm qua đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình xây dựng, phát triển thành phố thông minh với nhiều bài toán về thu thập, quản lý dữ liệu, giải pháp cho phòng chống dịch, quy hoạch, vận hành, quản lý cho các tỉnh, thành phố đặc biệt trong giai đoạn phục hồi và phát triển.

Đại dịch COVID-19 thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển thành phố thông minh - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao Thành phố thông minh Việt Nam - ASOCIO 2021

"Cùng với chuyển đổi số, thành phố thông minh đang trở thành phương thức phát triển mới của các đô thị trong kỷ nguyên thông minh hóa, giúp các đô thị tối ưu hoá các nguồn lực, phát triển bền vững, đem lại an toàn, tiện ích hơn cho người dân và phát triển kinh tế xã hội phồn vinh, thịnh vượng" - Chủ tịch VINASA cho biết.

Việc phát triển thành phố thông minh đã và đang được Chính phủ Việt Nam quan tâm đẩy mạnh. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 3 đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung, đến năm 2030 sẽ hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Trong những năm gần đây, vấn đề phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của nhiều địa phương trên cả nước. Một số địa phương đã triển khai và đạt được kết quả ban đầu. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, đây vẫn là vấn đề mới không chỉ đối với Việt Nam mà cả với các quốc gia đi trước, đòi hỏi chúng ta phải liên tục tìm hiểu, trao đổi, đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn cả trong nước và quốc tế để triển khai.

Đại dịch COVID-19 thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển thành phố thông minh - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại sự kiện

"Đại dịch COVID-19 là một ví dụ điển hình, những thành phố từng được coi là thông minh nhất nhưng gần như đã bất lực, không thể bảo vệ được tính mạng và sức khỏe của người dân trước sự lây lan của dịch bệnh. Đại dịch đã cho ta bài học đắt giá nhưng cũng vô cùng quý giá để chúng ta cùng nhìn nhận lại một cách nghiêm túc những hạn chế, tồn tại và định hướng triển khai trong thời gian tới" - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ.

Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông quan niệm rằng, phát triển đô thị thông minh cũng chính là quá trình thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi đô thị, thành phố đó. Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định, phát triển đô thị thông minh không thể tách rời mà phải gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương.

Ông Nguyễn Huy Dũng cũng cho biết, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị, việc phát triển đô thị, thành phố thông minh trở thành động lực cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và các vùng miền, giúp các thành phố giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa và cho phép đạt được các mục tiêu bao gồm: nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; quản lý đô thị tinh gọn; bảo vệ môi trường hiệu quả; nâng cao năng lực cạnh tranh; cung cấp dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện; tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm.

Hội nghị cấp cao Thành phố thông minh Việt Nam - ASOCIO 2021 được coi cơ hội rất lớn để các cơ quan quản lý, các chuyên gia, học giả, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam và quốc tế cùng chia sẻ, thảo luận, cập nhật những xu hướng, kinh nghiệm trong xây dựng thành phố thông minh.

Các ý kiến chia sẻ, trao đổi, thảo luận tại hội nghị sẽ giúp Việt Nam và các quốc gia thành viên ASOCIO nói chung có thêm kiến thức và động lực để cùng chung tay xây dựng các thành phố thông minh thực sự bền vững, có sức chống chịu cao, linh hoạt, dễ thích ứng và phản ứng nhanh trước những tác động môi trường và xã hội, qua đó giúp các quốc gia đạt được mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước