Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu khoa học công nghệ phải gắn với thị trường

Khánh Nguyễn-Thứ năm, ngày 05/01/2017 21:35 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu khoa học công nghệ phải gắn với thị trường trên cơ sở hiểu thị trường đang cần gì, sẽ cần gì để đưa ra hướng đi phù hợp nhất.

"Chất lượng, giá trị đem lại của sản phẩm công nghệ phải thực sự do thị trường đánh giá, quyết định. Cân nhắc hình thành một chợ giao dịch về công nghệ để ở đó, nhu cầu công nghệ và sản phẩm công nghệ có thể giao thoa với nhau", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc với chủ đề Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 4/1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá thành tựu phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua có đóng góp quan trọng của khoa học và công nghệ (KHCN). Cụ thể, xếp hạng về kinh tế của Việt Nam đứng trên 100 nhưng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu đứng thứ 59. Trong đó, các nhóm chỉ tiêu đầu ra liên quan trực tiếp đến KHCN xếp dưới 50. Điều đó cho thấy, dù còn bất cập nhưng giới KHCN nước ta rất cố gắng so với mặt bằng chung.

Trong chỉ đạo, bước đầu đã coi trọng ứng dụng KHCN, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhưng không coi nhẹ khoa học xã hội và khoa học cơ bản.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu khoa học công nghệ phải gắn với thị trường - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nghiên cứu khoa học công nghệ phải gắn với thị trường.

Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn xếp thứ 56, chỉ số sẵn sàng công nghệ đứng thứ 92/140 quốc gia và vùng lãnh thổ. "Chúng tôi nhận thấy rằng điều này không phải do các nhà khoa học gây ra mà do cơ chế của nhà nước", Thủ tướng nói, đồng thời chỉ ra một tồn tại nữa là nghiên cứu nhiều nhưng ứng dụng ít. Do đó, đầu tư cho KHCN cần bám sát hơn nhu cầu thực tiễn và thiết thực hơn, ưu tiên đầu tư các đề án, đề tài phục vụ thiết thực cho đất nước. Quản lý nhà nước trên một số mặt có tiến bộ nhưng còn bất cập như đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ…

"Không có tập đoàn quốc tế nào muốn đặt trung tâm nghiên cứu và thiết kế ở Việt Nam nếu họ e ngại về quyền sở hữu trí tuệ", Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu rà soát, đánh giá toàn bộ đội ngũ cán bộ khoa học của Việt Nam để xây dựng quy hoạch chiến lược đào tạo và sử dụng tối ưu. Thủ tướng lưu ý Bộ KH&CN phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT trong vấn đề này.

Cũng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với chủ đề "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải tách hoạt động khoa học ra khỏi hoạt động hành chính, tránh tình trạng hành chính hóa nghiên cứu khoa học: "Hãy làm quen với tư duy quản lý khoa học chỉ dựa vào kết quả chứ không nên dựa vào quá trình. Đừng để các nhà khoa học phải vất vả lo mua hóa đơn!".

Đồng thời, Thủ tướng lưu ý và đề nghị Bộ KH&CN và các đơn vị trong hệ thống KHCN bám sát thực tiễn, bám sát doanh nghiệp, lắng nghe "hơi thở cuộc sống", xem cuộc sống cần gì với tinh thần phối hợp tốt "3 nhà" (nhà khoa học, nhà nước, nhà sản xuất - PV): "Cán bộ KHCN đã giỏi chuyên môn rồi còn phải biết kinh tế, phải vận dụng vào kinh tế, vào đời sống, phải có thực tiễn. KHCN giữa trời thì làm sao biết đời sống sản xuất ra sao".

Thủ tướng cho rằng, muốn phát triển KHCN thành công phải có 6 yếu tố: Thể chế, cơ chế, môi trường; con người; nguồn lực; cơ sở hạ tầng; năng lực hội nhập; năng lực kiến tạo quản trị của nhà nước cho KHCN.

Thủ tướng khẳng định, luôn lắng nghe và tiếp mọi cán bộ khoa học có năng lực, muốn đóng góp xây dựng Tổ quốc. Tinh thần chung là khai phóng mọi nguồn nhân lực sáng tạo để đưa đất nước tiến lên vững vàng.

Ấn tượng Khoa học và Công nghệ 2016: Bức tranh tổng thể về KHCN Việt Nam năm 2016 Ấn tượng Khoa học và Công nghệ 2016: Bức tranh tổng thể về KHCN Việt Nam năm 2016

VTV.vn - Ấn tượng Khoa học và Công nghệ 2016 điểm lại những sự kiện ấn tượng nhất trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đã diễn ra tại Việt Nam trong năm qua.


Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước