Uber, Grab thắng thế, nhưng taxi truyền thống bắt đầu "phản công"

Thùy An-Thứ năm, ngày 23/11/2017 17:34 GMT+7

VTV.vn - “Không ai giàu ba họ chẳng ai khó ba đời”, câu thành ngữ nổi tiếng này đang khá trùng hợp với những hãng taxi truyền thống tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Uber, Grab "thắng" đâu chỉ tại Việt Nam

Được ra đời vào đầu thế kỷ 20, Yellow Cab (taxi vàng) đã trở thành một biểu tượng nổi tiếng của thành phố New York, Mỹ. Song thời điểm hiện tại, sau hơn một trăm năm hình thành và phát triển, những chiếc xe taxi vàng này đang phải đối diện với thử thách chưa từng có trước những công ty cung cấp dịch vụ đặt xe trực tuyến như Uber, Lyft hay Via.

Vào giữa tháng 10 vừa qua, theo một báo cáo của tờ New York Times, lần đầu tiên số lượng người dùng lựa chọn Uber đã cao hơn so với phương tiện taxi truyền thống. Tính trung bình một ngày trong tháng 7, Uber đã hoàn thành 289.000 chuyến, trong khi taxi truyền thống là 277.000 chuyến.

Tại nghiên cứu khác của Crain's New York Business, tổng số chuyến đi bằng taxi truyền thống tại New York năm 2016 đã giảm 11% còn 123,7 triệu, doanh thu ngành giảm 9% còn 1,8 tỷ USD. Trong khi đó, ngân hàng Morgan Stanley ước tính thị phần các chuyến đi của taxi truyền thống giảm từ 84% tháng 4/2015 xuống 65% vào tháng 4/2017 do phải chia sẻ với những đối thủ như Uber, Lyft và Via.

Uber, Grab thắng thế, nhưng taxi truyền thống bắt đầu phản công - Ảnh 1.

Sau hơn 100 năm hình thành phát triển, những chiếc taxi Yellow Cab đang phải đối diện với những thách thức chưa từng có

Sự cạnh tranh khốc liệt đến mức, hãng taxi Yellow Cab ở thành phố Pittsburgh (Pennsylvania, Mỹ) đã phải đổi tên thành đã đổi tên thành zTrip và nâng cấp dịch vụ với một nền tảng đặt xe trực tuyến, chấp nhận tiền mặt cùng với thẻ tín dụng cũng như học cách tính cước phí vào giờ cao điểm của Uber, Lyft hay Via.

Taxi Yellow Cab chỉ là một ví dụ tiêu biểu cho sự thắng thế của những công ty cung cấp dịch vụ đặt xe trực tuyến trước các hãng taxi truyền thống.

Được thành lập vào năm 2009, Uber đã trở thành một con "ngáo ộp" trong lĩnh vực vận tải hành khách khi đang hiện diện trên 600 thành phố và tại 78 quốc gia trên thế giới.

Dù chưa có quy mô khổng lồ như Uber, song chỉ sau 5 năm hình thành, ứng dụng Grab cũng đang "làm mưa, làm gió" tại các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

"Méo mặt" vì Uber và Grab

Theo thống kê từ Uber trong tháng 10 vừa qua, sau 3 năm hoạt động tại Việt Nam, tổng quãng đường đã di chuyển thông qua ứng dụng này là 322 triệu km, tương đương 99.000 lần chiều dài đất nước Việt Nam. Đây là một con số có thể khiến nhiều người "giật mình".

Không cần qua những số liệu, có thể dễ dàng nhận thấy sự phát triển nhanh đến chóng mặt ra sao của ứng dụng Grab tại Việt Nam. Tại Hà Nội và TP.HCM, từ hang cùng, ngõ hẽm cho đến những tuyến phố chính đều có thể bắt gặp những chiếc áo xanh đặc trưng của ứng dụng nay.

Ngoài giá cước thấp, số lượng người sử dụng smartphone và tiếp cận internet tăng mạnh mẽ trong thời gian qua là lý do chính cho sự phát triển của Uber và Grab tại Việt Nam.

Uber, Grab thắng thế, nhưng taxi truyền thống bắt đầu phản công - Ảnh 2.

Sau một thời gian ngắn có mặt tại Việt Nam, Uber và Grab đã sở hữu lượng người dùng không nhỏ tại Việt Nam

Uber và Grab ngày càng trở nên phổ biến hơn nên không có gì quá ngạc nhiên khi "miếng bánh" thị phần của các hãng taxi truyền thống ngày một bé đi. Và điều này thể hiện rõ nhất với 2 "ông lớn" là Mai Linh và Vinasun.

Nửa đầu năm nay, doanh thu thuần của cả tập đoàn Mai Linh đạt 1.722 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Tính đến hết ngày 30/6, khoản lỗ lũy kế của Tập đoàn Mai Linh đã lên tới gần 800 tỷ đồng.

Trong khi đó, lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinasun đạt 1.903 tỷ đồng doanh thu, giảm 16%. Trong đó, doanh thu từ kinh doanh taxi vẫn chiếm tỷ trọng hơn 90%. Tuy nhiên, nếu tính riêng doanh thu từ kinh doanh taxi của công ty mẹ Vinasun, 6 tháng đầu năm hãng này giảm gần 500 tỷ đồng. Vinasun cũng cho biết tính đến ngày 30/6/2017, Vinasun có 8.291 nhân viên, giảm tới 7.946 người so với thời điểm đầu năm.

Các hãng taxi truyền thống tại Việt Nam "phản công"

Bên cạnh cuộc chiến về pháp lý, tốn giấy nhiều giấy mực của báo chí, không thể phủ nhận sự chuyển mình của các hãng taxi truyền thống thời gian qua.

Cụ thể, các hãng taxi truyền thống như Vinasun, Mai Linh, Taxi Group, Thành Công... đã đồng loạt ra mắt ứng dụng đặt xe trên điện thoại, nhằm nâng cao hiệu hoạt động, minh bạch giá cước, quãng đường để tăng tính cạnh tranh.

Để khuyến người dùng đặt xe qua ứng dụng, nhiều hãng còn áp dụng thêm mã khuyến mại từ 20.000 - 30.000 đồng, tương tự như các đối thủ Uber hay Grab. Thậm chí, có hãng còn chấp nhận cho khách hàng thanh toán bằng smartphone, không cần tiền mặt, thông qua ví điện tử.

Uber, Grab thắng thế, nhưng taxi truyền thống bắt đầu phản công - Ảnh 3.

Cách đây ít ngày, Mai Linh đã giới thiệu dịch vụ xe ôm công nghệ - Mai Linh Bike

"Các hãng taxi chính thống hiện nay cần phải thay đổi. Thay đổi về phương tiện mới hơn, thay đổi về lái xe phục vụ tốt hơn. Khi áp dụng phần mềm quản lý, việc giảm chi phí quản lý xuống gồm giảm về tổng đàm, giảm về điều hành các bãi giao ca, giảm các điểm kinh doanh tiếp thị. Hiện nay chi phí kinh doanh tiếp thị đang đội lên hàng trăm tỷ đồng cho cả Mai Linh hay Vinasun.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng số đầu xe của mình lên. Chúng tôi cũng đầu tư các phương tiện giá rẻ để phục vụ khách hàng. Giá mà Uber hay Grab đưa ra hiện nay là 8.500 đồng, các loại xe này nếu chúng tôi áp dụng công nghệ thì chúng tôi cũng có thể đưa xuống từ 8.000 – 9.000 đồng", ông Hồ Huy – Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Mai Linh trả lời phỏng vấn phóng viên VTV.

Và một phần trong kế hoạch trên đã được Mai Linh triển khai, khi cách đây ít ngày, hãng này chính thức giới thiệu dịch vụ xe ôm công nghệ - Mai Linh Bike. Theo tính toán, giá cước Mai Linh Bike khá tương đương với 2 dịch vụ là Uber Moto và Grab Bike.

Ngoài việc cũng áp dụng các chương trình khuyến mãi, Mai Linh Bike cam kết không cộng thêm giá khi tắc đường hay cao điểm. Giá luôn cố định, không cộng thêm phí giờ cao điểm.

Cùng với Mai Linh Bike, thời gian tới, Mai Linh còn có kế hoạch ra mắt Mai Linh Bike Premium và dịch vụ giao hàng.

Uber, Grab thắng thế, nhưng taxi truyền thống bắt đầu phản công - Ảnh 4.

Theo nhiều ý kiến, các hãng taxi cần phải liên kết với nhau mới có thể cạnh tranh sòng phẳng với Uber hay Grab

Theo rất nhiều ý kiến phân tích, thay vì "đấu" một mình, các hãng taxi cần phải liên kết với nhau mới có thể cạnh tranh sòng phẳng với Uber hay Grab. Cụ thể, một ứng dụng đặt xe chung cho các hãng taxi để đáp ứng thuận lợi tối đa cho nhu cầu di chuyển của người hàng khách đang là giải pháp được nhiều người đưa ra. Song hành cùng với đó là một mức giá có thể cạnh tranh được với Uber hay Grab. Đây được xem là yếu tố tiên quyết bởi, khách hàng luôn "nhạy cảm" với túi tiền của mình.

Vào tháng 10 vừa qua, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, Hiệp hội cũng đang xây dựng phần mềm chung của các hãng taxi. Song ông Bình cũng khẳng định, giá là yếu tố số 1 quyết định thành bại trong cạnh tranh.

Tuy nhiên, việc các hãng taxi sử dụng chung một ứng dụng gọi xe vẫn còn là một chặng đường rất giải khi các hãng này sẽ ngồi với nhau giải quyết hàng loạt các vấn đề: thương hiệu, quản lý, taxi dù...

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước