Chính sách ngành phần mềm: Bao giờ cho đến thực tế?

QN-Thứ hai, ngày 17/05/2010 13:58 GMT+7

Không ít về số lượng, cũng không hẳn không có chất lượng, thậm chí từng được đặt rất nhiều kỳ vọng của cả phía đơn vị đưa ra và đơn vị thụ hưởng, nhưng vì khoảng cách giữa mong muốn và thực tiễn, từ lý thuyết đến thực tế triển khai, từ cách thức thực hiện… nhiều chính sách, chế độ đãi ngộ với mục tiêu hỗ trợ ngành phần mềm đã không đạt được mục đích ban đầu...Và doanh nghiệp phần mềm, đối tượng đáng được thụ hưởng lợi ích nhất, lại không hoặc ít được hưởng lợi từ những chính sách này!

Được coi là một trong những lĩnh vực có khả năng tạo ra đột phá cho đất nước, tạo bước đà cho nhiều ngành phát triển và hội nhập, phần mềm Việt nhiều năm qua đã thu hút được sự quan tâm khá lớn của không chỉ cộng đồng mà cả những người làm chính sách. Trên thực tế, để hỗ trợ cho sự phát triển của lĩnh vực còn khá mới mẻ này, khá nhiều chính sách, chương trình mục tiêu, đề án… đã được đưa ra, và cũng đã có tác động đến ngành, dù tác động đó nhiều khi vẫn ở đâu đó xa xôi, khó nhìn thấy, hơn là trực tiếp đong đếm được…

Hãy bắt đầu câu chuyện chính sách này bằng một sự kiện thu hút được sự quan tâm ít nhiều của dư luận thời gian qua: lễ ra mắt hội đồng tư vấn chính sách phát triển công nghiệp phần mềm VN, ngay trước thềm Lễ trao giải Sao Khuê 2010.
Chưa kịp tay bắt mặt mừng ngày gặp lại, hồ hởi hy vọng về tương lai, 21 thành viên của Hội đồng tư vấn với rất nhiều tên tuổi trong ngành đã phải đối mặt với vô số vấn đề liên quan trong một buổi tọa đàm có rất nhiều ý kiến thẳng thắn, thậm chí gay gắt, bức xúc, xoay quanh câu chuyện: DN phần mềm được gì và cần gì từ chính sách của chính phủ.
Xoáy sâu vào hai vấn đề then chốt: thị trường và nhân lực, nhiều đại biểu không ngại ngần đưa ra kết luận: Trừ những đãi ngộ quá nhỏ về thuế, doanh nghiệp phần mềm gần như không được hưởng lợi ích gì từ hàng loạt chính sách, đề án với mục tiêu thúc đẩy, hỗ trợ ngành tăng trưởng trong suốt 10 năm qua.
Vậy thực hư việc này thế nào?
10 năm ưu đãi, doanh nghiệp được gì?
Vietsoftware từ nhiều năm nay vẫn luôn là một trong những đơn vị làm phần mềm có tên tuổi trong ngành. Được thành lập vào đầu năm 2000, đúng vào lúc ngành phần mềm đang được quan tâm đặc biệt với hàng loạt chính sách mới, Vietsoftware đã được hưởng luồng gió mới từ cảm hứng mới, cao trào đầu tư mới, với một tâm lý bắt đầu có phần hăm hở, và nhiều quyết tâm.
10 năm phát triển, từ bàn tay trắng, ít nhiều lãnh đạo công ty cũng đã tạo dựng được một chỗ đứng cho thương hiệu Vietsoftware bằng chính sản phẩm, dịch vụ của mình. Tuy nhiên, cái hăm hở và niềm tin vào sự ưu đãi của những ngày đầu dường như đã nhạt đi nhiều.
Trừ việc được miễn thuế thu nhập DN 5 năm đầu, rồi thuế thu nhập cá nhân, cùng vài lần hụt hơi không tiếp cận được sự ưu đãi mặt bằng, doanh nghiệp gần như không được gì. Ông Trần Lương Sơn, Tổng giám đốc công ty cổ phần phần mềm Việt, Vietsoftware, nhớ lại “khoảng năm 2004, 2005, lãnh đạo thành phố tuyên bố sẽ xây hàng loạt, thậm chí tôi nhớ chính xác là 10, trung tâm phần mềm cho HN để tạo điều kiện cho các công ty phần mềm có thể vào đó kinh doanh. Cuối cùng chúng ta cũng được 3 trung tâm như vậy. 2 trung tâm hiện đã thuộc về 2 công ty khác… Còn một trung tâm thì hoạt động rất đìu hiu. Tôi cũng không rõ trong đó còn bao nhiêu công ty phần mềm trụ lại nữa. Còn giá thuê ở đó thật sự không khác gì giá thuê thương mại cả”.
Khác với Vietsoftware, Hài Hòa (Harmony) lại có may mắn là cùng với FPT, CMC nhanh chân có được một suất thuê đất trong vòng 50 năm của TP Hà Nội, khu vực Cầu Giấy. Cơ ngơi này của công ty được xây dựng bằng tiền của Hài Hòa và đất được ưu đãi cho thuê của thành phố. Tất nhiên chi phí không hề rẻ hơn giá thị trường nhưng đó cũng đã là ưu đãi hơn hẳn so với nhiều doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực.
Vấn đề của Hài Hòa lại nằm ở chỗ khác: thị trường. Là một đơn vị chuyên về các sản phẩm thương phẩm cho ngành xây dựng như tự động hóa thiết kế, hay các phần mềm phục vụ cho công tác lập dự toán, quản lý dự án đầu tư trong ngành xây dựng, một thị trường đáng lẽ là rất lớn, có tiềm năng.
Nhưng do thiếu một chính sách tạo thị trường từ cấp quản lý, thị phần của Hài Hòa vẫn còn khá khiêm tốn dù doanh nghiệp đã 15 năm có lẻ có mặt trên thị trường. Theo ông Võ Thanh Tùng, Giám đốc công ty Cổ phần công nghệ Hài Hòa thì “một DN muốn phát triển thì về nguyên tắc là phải có thị trường…Quan trọng là thị trường của anh như thế nào, các giải pháp phần mềm hay các sản phẩm của anh nó sẽ phục vụ cho các đối tượng nào và các đối tượng đó người ta có thị trường, có điều kiện áp dụng mạnh mẽ thì mới phát triển được”.
Thiếu thị trường, khó khăn về mặt bằng cũng là hai trong những vấn đề bức xúc nhất mà nhiều DN phần mềm gặp phải và kỳ vọng nhiều ở sự hỗ trợ của chính sách trong thời gian qua. Nhưng đó cũng là hai vấn đề họ vấp phải nhiều thất vọng.
Nhìn lại 10 năm vừa rồi, không phải nhà nước không có những lần quyết tâm quyết liệt, được thể hiện bằng những thông tư, đề án tầm cỡ quốc gia, dành cho phần mềm nói riêng và CNTT nói chung. Như quyết định năm 2005 của Thủ tướng, do phó Thủ tướng Nguyễn Gia Khiêm ký chẳng hạn... Cũng đầy tham vọng, với vô số ưu đãi không chỉ về thuế, về vốn, về mặt bằng mà cả về nhân lực, bảo hộ bản quyền và hạ tầng viễn thông… Nhưng có vẻ như, giá trị của nó mới chỉ nằm trên giấy nhiều hơn.
Về vấn đề này, ông Lữ Thành Long, Chủ tịch HĐQT, công ty Cổ phần MISA cho rằng, “nếu nói DNPM chưa được hưởng lợi thì cũng không đúng nhưng rất nhiều chính sách mà DNPM chưa được hưởng lợi trực tiếp và mạnh mẽ như kỳ vọng của chính phủ. Thật ra CP muốn phát triển nền CNPM thì đối tượng thụ hưởng chính sách của nhà nước phải là các DNPM. Thế nhưng trong thời gian vừa rồi thì các chính sách của nhà nước, các đề án của nhà nước mặc dù nói là để hỗ trợ cho các DNPM nhưng dường như lại không tập trung vào DNPM”.
Một ví dụ dễ dàng minh chứng cho việc chính sách hỗ trợ DN phần mềm nhưng lại đi chệnh hướng ban đầu là việc xây dựng các trung tâm công nghệ phần mềm, công viên phần mềm, các khu công nghệ cao.
Đã có thời điểm, việc xây dựng các khu trung tâm này trở thành một cuộc chạy đua giữa các tỉnh. Tỉnh nào cũng có, thành phố nào cũng có, thậm chí là cả chục cái như tuyên bố của Hà Nội. Đầu tư cả tỷ đồng. Tạo ra rất nhiều kỳ vọng về cái gọi là một trung tâm của những người làm công nghệ với giá thuê mặt bằng ưu đãi, hạ tầng viễn thông chuẩn quốc tế, giá rẻ… thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, ngoài một số ít đếm trên đầu ngón tay những công viên phần mềm ít nhiều có hoạt động, những trung tâm này hoặc bị tư nhân hóa, hoặc không thể đi vào hoạt động vì ưu đãi đã bị biến dạng. Hưởng lợi từ những dự án này đương nhiên không phải DN phần mềm.
Ông Long lấy ví dụ, một khu công viên phần mềm nổi tiếng ở TPHCM, ban đầu cũng có những chính sách rất hấp dẫn, với giá thuê mặt bằng rẻ. Thế nhưng chỉ sau một thời gian, giá thuê ở các địa điểm này tăng vọt, các doanh nghiệp không chịu nổi đành bỏ ra ngoài…
Một khía cạnh khác của kỳ vọng ưu đãi là việc tạo thị trường. Không thể nói là nhà nước không hỗ trợ DN phần mềm có được thị trường. Hàng loạt đề án tin học hóa, từ IT 2000 đến 112, 191 hay gần đây là đề án Tăng tốc… là gì nếu không phải là tạo tâm lý, thói quen ứng dụng CNTT, sử dụng phần mềm, tạo thị trường cho DN?
Thực tế, căn cứ vào thực trạng ứng dụng CNTT hiện nay, không thể phủ nhận các đề án này đã có hiệu quả trực tiếp hoặc gián tiếp.Tuy nhiên, so với kỳ vọng và mục tiêu ban đầu, thì khoảng cách còn là khá xa. Đi chệch chủ trương, đầu tư quá nặng vào phần cứng và hạ tầng mà quên đi yếu tố cốt lõi nhất là phần mềm, là hệ cơ sở dữ liệu – yếu tố chính thay đổi phương thức làm việc, các dự án này đã vấp phải thất bại. Phần mềm không phải trung tâm của đề án, vì thế DN phần mềm cũng còn xa mới được hưởng lợi từ các đề án như thế này.
Vẫn là ông Long, của công ty Misa bày tỏ thái độ khá gay gắt khi được hỏi về vấn đề này. Theo ông, “cách mua sắm CNTT ở VN tôi có cảm giác hơi bị ngược”. Đồng tình với ông Long, ông Tùng cho rằng, “Một thói quen cũng là một vấn đề cũ của chúng ta là quen tập trung vào hạ tầng, để làm sao chúng ta có máy tính, có một cơ sở hạ tầng tốt chứ thông tin ở trên đó, cái cơ sở dữ liệu ở trên đó để khai thác, trao đổi thông tin giữa các cơ quan với nhau thì vẫn còn chưa chú trọng nhiều”.
Đánh giá công bằng hơn, luật sư Phạm Thành Long, công ty Luật Gia phạm cho rằng, không phải nhà nước không có nỗ lực, có nhiều chính sách, nhưng những chính sách này thực sự chưa hiệu quả.
Một cách công bằng, nhà nước không phải không có nỗ lực giúp các DN phần mềm. Nhưng do thiếu một chiến lược tổng thể, tầm quốc gia, do công tác triển khai từ chiến lược đến thực tiễn còn có khoảng cách quá xa, do chưa tập trung được vào chủ thể cần hỗ trợ, các chính sách, chiến lược của nhà nước vẫn còn chưa thực sát với nhu cầu thực tiễn.
Tất nhiên, không có hỗ trợ, không có ưu đãi thì DN vẫn phải phát triển. Trong lúc chờ những đề án, chiến lược kia đi vào cuộc sống, DN vẫn phải vật lộn với hết khủng hoảng nội đến khủng hoảng ngoại, vẫn phải tồn tại, phát triển thậm chí rất phát triển. Nhưng đó là sự phát triển của cá thể.
Nói như ông Trần Lương Sơn, “nhiều công ty nói rằng nếu không có chính sách của nhà nước thì họ vẫn tồn tại, có thể nói là vẫn sống sót và vẫn phát triển và cũng có một số công ty may mắn rất phát triển” nhưng ông cũng cho rằng, vấn đề quan trọng không nằm ở chỗ vài công ty phát triển, rằng “chúng ta không nói về sự thành công của một cá thể mà chúng ta mong đợi sự thành công của cả quốc gia, của cả nền công nghiệp PMVN”.
Doanh nghiệp cần gì?
Một điều chắc chắn, ai đó muốn giúp ngành phần mềm, cần hiểu nhu cầu của những thành tố tạo nên ngành, chính là các DN phần mềm. Như một doanh nghiệp thông thường, DN phần mềm vẫn cần tiếp tục được hỗ trợ thuế, củng cố lại sự hỗ trợ về mặt bằng trụ sở và đặc biệt quan trọng là tạo thị trường để họ có cơ hội phát triển.
Những vấn đề này ít nhiều đã được quan tâm, tuy nhiên chưa đạt hiệu quả đúng như mong muốn. Sai đâu sửa đó, chưa hiệu quả nơi nào thì tập trung làm lại nơi đó, tất nhiên là tất cả phải nằm trong một chiến lược tổng thể quốc gia với những mục cụ thể đến từng chi tiết, kèm những hướng dẫn thi hành sát sao, đó là cách hiệu quả nhất để giúp DN phần mềm phát triển.
Về vấn đề này, ông Lữ Thành Long, cho rằng, “Nhà nước muốn phát triển công nghiệp phần mềm, thì cái đầu tiên phải phát triển là DN phần mềm. Và để phát triển DNPM thì họ cần gì, họ muốn gì để phát triển thì nhà nước đầu tư đúng vào các yếu tố đó thì tự khắc phần mềm VN phát triển… Ví dụ, DN cần thị trường. Nhà nước bỏ tiền ra để mua phần mềm, trang bị phần mềm thì tự khắc là DN có thị trường mà có thị trường thì DN mới phát triển được”.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, ưu đãi thuế hay mặt bằng không phải là thứ có thể dựa vào lâu dài. Còn thị trường sẽ là một yếu tố khác tự tìm đến nếu như chất lượng sản phẩm của DN thực sự tốt và đủ sức cạnh tranh. Vấn đề bây giờ lại trở lại chính sức cạnh tranh của DN.
Lao động phần mềm là một thứ lao động đặc thù với chất xám là tư liệu sản xuất. Vì thế, để nâng cao sức cạnh tranh không có gì tốt hơn là nâng cao chất lượng chất xám, tức là nhân lực của công ty. Do đó, chính sách về nhân lực mới thực sự là chính sách bền vững, cần được đầu tư nhất trong thời gian tới. Nói như ông Trần Lương Sơn, “chính sách về nguồn nhân lực là hết sức quan trọng, có thể nói là hàng đầu”.
Cũng theo ông Sơn, nếu những nước như Ai-xlen họ có thể có được những chính sách kiểu như hỗ trợ cho mỗi DN tạo ra việc làm cho một sinh viên ngành phần mềm ra trường một khoản tiền nhất định, hay nhiều chính sách ưu đãi về thuế cho các đơn vị kinh doanh đào tạo phần mềm, ưu đãi thu hút nhân lực chất lượng cao tham gia giảng dạy… thì tại sao VN không thể làm được với nguồn nhân lực dồi dào sẵn có?
Cùng quan điểm với ông Sơn, luật sư Phạm Thành Long, thành viên hội đồng tư vấn chính sách phát triển CNPM cũng cho rằng, nhân lực mới là yếu tố then chốt cần sự hỗ trợ của chính sách hơn cả. Cụ thể theo ông, “muốn hỗ trợ cho các DN nước ngoài đầu tư vào VN trong lĩnh vực giáo dục liên quan đến CNTT thì chúng ta cũng cần công bố rõ ràng hơn cho các đối tượng này. Hoặc một việc rất quan trọng là nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên trong lĩnh vực CNTT…”.
Ấn Độ đã từng thành công và ghi dấu ấn trong ngành phần mềm bằng con đường phát triển nhân lực. Trung Quốc, Philippine, Malaysia cũng đang trở thành một địa chỉ cạnh tranh mạnh mẽ với Việt Nam về mặt nhân lực. VN đã sẵn có nhiều ưu thế, tại sao không thể tập trung chính sách đầu tư nhiều hơn, mạnh mẽ và quyết liệt hơn, nhưng cũng cụ thể và chi tiết hơn? Câu hỏi này xin tiếp tục được gửi đến những người làm chính sách.
Rất nhiều lần Cuộc sống số đã nhắc đến chủ đề này, nhân lực, như một yếu tố then chốt trong việc phát triển một ngành đặc thù như phần mềm. Đề án Tăng tốc, đưa VN trở thành quốc gia mạnh về CNTT cũng có một phần riêng cho vấn đề này. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ. Ngành phần mềm vẫn rất cần những sự đầu tư mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn, nhưng cũng sát thực hơn những tuyên bố duy ý chí có thể dễ dàng phát ra. Có như thế ngành phần mềm mới có cơ hội tìm được vị thế đúng của mình.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước