Các nước trên thế giới đều coi xu hướng số hóa truyền hình là một hướng tất yếu và đều có những lộ trình để tiến hành số hóa. Ví dụ như tại châu Âu: Hà Lan, Thụy Điển, Phần Lan đã hoàn thành vào năm 2007, Đức năm 2008, Thụy Sĩ và Nauy năm 2009, Tây Ban Nha, Croatia, Hy Lạp, Áo năm 2010, Pháp dự kiến vào năm 2011 và Anh, Bồ Đào Nha, Slovakia, Bỉ, Hungari dự kiến vào năm 2012. Tại các nước châu Mỹ, Mỹ và Canada đã hoàn thành vào năm 2009, Mexico dự kiến vào năm 2012. Các nước châu Á cũng có lộ trình dự kiến cho việc số hóa truyền hình, Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến vào năm 2011, Hồng Kong dự kiến vào năm 2012, Úc dự kiến 2013, các nước Đông Nam Á và Trung Quốc dự kiến vào năm 2015.
Theo các số liệu trên, đến năm 2015 cơ bản các nước trên thế giới (đại diện cho cả 3 hệ truyền hình analog là PAL, SECAM và NTSC) đều hoàn thành quá trình số hóa. Tín hiệu số lúc đó trở thành một tiêu chuẩn giao tiếp giữa các đài truyền hình với nhau và sự hỗ trợ dành cho truyền hình tương tự (về thiết bị, nội dung và hạ tầng) gần như không còn. Các đài truyền hình analog sẽ trở nên cô độc trên con đường phát triển của truyền hình hiện đại.
Quay trở lại lộ trình số hóa tại Việt Nam, căn cứ vào Quyết định 22/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ và dự thảo đề án lộ trình số hóa của Bộ Thông tin-Truyền thông thì lộ trình số hóa truyền hình tại Việt Nam có những nội dung chính sau:
Về lộ trình thời gian: Đến năm 2010 sẽ cấm giấy phép nhập khẩu máy phát hình analog. Đến năm 2015,đảm bảo 80% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau. Chấm dứt phát sóng analog tại một số tỉnh và thành phố khi đảm bảo khoảng 95% số hộ gia đình thu được tín hiệu số bằng các phương thức khác nhau. Phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 60% dân cư.
Dự kiến trước ngày 31/12/2014 các đài truyền hình trung ương và địa phương chấm dứt việc phát sóng các kênh chương trình truyền hình tương tự tại các thành phố lớn và dự kiến trước ngày 31/12/2020 hoàn thành số hóa truyền hình trên toàn quốc.
Về tiêu chuẩn truyền hình số: đến năm 2015, áp dụng thống nhất tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất trên cơ sở tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất DVB-T, tiêu chuẩn mã hóa MPEG-4.
Về công nghệ truyền dẫn: Xác định công nghệ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số sử dụng các phương tiện mặt đất, vệ tinh, cáp, di động, Internet là công nghệ cao thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin để được ưu tiên đầu tư phát triển.
Về thiết bị đầu cuối: Từ ngày 01/01/2012 tất cả các máy thu hình sản xuất và nhập khẩu vào Việt Nam phải tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất tiêu chuẩn mã hóa tín hiệu hình ảnh và âm thanh MPEG-4 (có hỗ trợ thu MPEG-2 đến 2015) và Bộ Thông tin Truyền thông đã đưa thiết bị số truyền hình vào danh mục thiết bị công nghệ cao, do vậy các nhà nước sẽ ưu đãi khoản thuế và giá thành máy thu hình kỹ thuật số sẽ hạ đến mức thấp hơn máy thu hình analog màn hình phẳng hiện nay.
Về việc thực hiện truyền dẫn: trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015, các đơn vị doanh nghiệp được cấp phép thiết lập hạ tầng mạng truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình số tiếp tục mở rộng diện phủ sóng phát thanh, truyền hình số tại vùng thành thị, đồng bằng và tại các khu vực đông dân, đồng thời tăng cường đầu tư mở rộng vùng phủ sóng số đến các khu vực nông thôn, miền núi; Các đơn vị doanh nghiệp được phép thiết lập mạng lưới và cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình số.