Đài Truyền hình Việt Nam với lộ trình số hóa truyền hình (P.2)

PTGĐ Đài THVN Nguyễn Thành Lương-Thứ sáu, ngày 20/08/2010 14:00 GMT+7

Ngày 16/02/2009, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định 22/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020. Trong đó đề ra mục tiêu phát triển, định hướng phát triển và một số giải pháp chủ yếu cho quy hoạch đến năm 2020 của phát thanh truyền hình Việt Nam.

Đài Truyền hình Việt Nam cần thực hiện ngay những nhiệm vụ quan trọng sau:

Thành lập Ban chỉ đạo số hóa truyền hình để nghiên cứu và xây dựng đề án lộ trình số hóa truyền dẫn phát sóng của Đài THVN.
Trung tâm kỹ thuật sản xuất chương trình cần sớm nghiên cứu và triển khai đề án số hóa sản xuất chương trình.
Các Trung tâm Tin học Đo lường và Trung tâm Tư liệu cần hoàn thiện dự án số hóa trung tâm tư liệu của Đài THVN.
Các ban biên tập cần đào tạo đội ngũ cán bộ của mình cho phù hợp với lộ trình số hóa về sản xuất chương trình của Đài THVN...
Với tình hình trên, Đài Truyền hình Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn. Thứ nhất là do xã hội hóa về truyền dẫn với việc chỉ cấp phép cho các doanh nghiệp được xây dựng hạ tầng truyền dẫn, nên việc này đồng nghĩa với việc Đài Truyền hình Việt Nam hoặc phải có doanh nghiệp đủ khả năng làm nhiệm vụ truyền dẫn hoặc tồn tại như hiện nay thì không được tham gia kinh doanh trong lĩnh vực truyền dẫn - một lĩnh vực được coi là “béo bở” trong thời gian sắp tới.
Thứ hai là: việc hạn chế và tiến tới dừng hẳn việc nhập máy phát tương tự trong năm 2010. Đây là thách thức to lớn về thời gian cho Đài Truyền hình Việt Nam trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ phát sóng tương tự sang phát sóng số. Nếu không chuyển đổi kịp thời, Đài sẽ phải đối mặt với sự thiếu hỗ trợ về các thiết bị sản xuất chương trình truyền hình tương tự do xu hướng thế giới đang dần chuyển đổi công nghệ số, các hãng sản xuất đã và đang bắt đầu dừng hẳn việc sản xuất các thiết bị cho truyền hình tương tự. Việc này dẫn đến nhưng khó khăn không thể lường trước được trong tất cả các công đoạn sản xuất chương trình, truyền dẫn và phát sóng.
Thứ ba là theo đề án số hóa và dự kiến quy hoạch phát thanh truyền hình mà Bộ Thông tin truyền thông đang soạn thảo để trình Thủ tướng Chính phủ, chủ trương sẽ tiến hành sát nhập các đài truyền hình địa phương với các trung tâm khu vực của Đài Truyền hình Việt Nam. Mặc dù đây mới chỉ là dự kiến và không đúng với Nghị định 18/NĐ-CP qui định chức năng, nhiệm vụ của Đài Truyền hình Việt Nam, nhưng nếu vấn đề này xảy ra, lợi thế của Đài Truyền hình Việt Nam về điểm tiếp phát, truyền dẫn, nội dung, sản xuất chương trình tại các vùng miền sẽ không còn.
Trước những thách thức đó, nhiệm vụ quan trọng của Đài Truyền hình Việt Nam là nhanh chóng đẩy nhanh quá trình số hóa. Đầu tiên là sự đầu tư về thiết bị sản xuất chương trình đồng nhất sử dụng kỹ thuật số để đảm bảo nguồn tài nguyên nội dung số. Bên cạnh đó là thực hiện nhanh chóng việc phát triển mạng lưới truyền dẫn trên toàn quốc thuộc sở hữu của Đài Truyền hình Việt Nam để đảm bảo sự chủ động trong truyền dẫn. Thứ hai là tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng của Đảng và Chính phủ để đảm bảo được sự tồn tại của các Trung tâm khu vực của Đài, đồng thời mở rộng thêm các trung tâm khu vực làm các điểm tiếp phát tín hiệu, kèm theo đó là kế hoạch đầu tư máy phát số kịp thời.
Để thực hiện nhiệm vụ cấp bách trên, Đài Truyền hình Việt Nam cần có một nguồn vốn đầu tư lớn, việc tìm kiếm nguồn đầu tư là hết sức quan trọng. Nguồn đầu tư có thể từ nguồn đầu tư của Nhà nước, nguồn quảng cáo của Đài, vốn vay, nguồn viễn thông công ích, nguồn vốn ODA hoặc xin hỗ trợ từ Chính phủ hoặc xin Nhà nước cấp lại các khoản thuế (VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp) mà Đài Truyền hình Việt Nam đang phải thực hiện nộp ngân sách hàng năm để đầu tư.

Tin bài liên quan:

Đài Truyền hình Việt Nam với lộ trình số hóa truyền hình (P.1)

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước