Theo Bộ Thông tin - Truyền thông, cả nước có hơn 1.000 doanh nghiệp phần mềm với tổng doanh thu mà ngành công nghiệp phần mềm đem lại một năm là khoảng hơn 1 tỷ USD.
Ngoài ra, với dân số khoảng 86 triệu người cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kết nối băng thông rộng Internet và di động, thị trường cho ngành công nghiệp phần mềm ở Việt Nam là rất lớn nhưng hiện nay, ngành công nghiệp non trẻ này đang gặp không ít thách thức.
Lấy ví dụ với phần mềm quản lý nguồn nhân sự. Hiện nay thị trường có khá nhiều sản phẩm quản lý nhân sự dựa trên công nghệ điện toán đám mây hoàn toàn do Việt Nam sản xuất, ứng dụng. Với các đơn vị doanh nghiệp hay cơ quan Nhà nước, việc áp dụng những phần mềm này thực sự đã giải quyết nhiều hạn chế của phương pháp quản lý nguồn nhân sự theo phương pháp truyền thống trước đây.
Theo ông Nguyễn Xuân Hoàng, Tổng Giám đốc công ty CP Misa, "trước đây, việc quản trị nguồn nhân lực chỉ trong phạm vi của phòng quản trị nhân sự. Tuy nhiên, với việc ứng dụng những công nghệ phần mềm mới như điện toán đám mây, việc quản lý hoàn toàn trên môi trường Internet, ý nghĩa với những đơn vị quy mô lớn, nhiều chi nhánh. Đối với phần mềm này, chúng ta có thể quản lý nhân viên ở mọi lúc mọi nơi".
Phần mềm này chỉ là một ví dụ cho thấy những tiện ích từ ngành công nghiệp phần mềm mang lại. Tuy nhiên, để có thể ứng dụng rộng rãi hơn nữa phần mềm này, theo các kỹ sư phần mềm phải có sự bảo mật về an toàn thông tin một cách triệt để bởi các nguồn thông tin đều hoạt động trên một môi trường mở là Internet.
Bên cạnh các vướng mắc về công nghệ, việc định hướng phát triển ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam vẫn đang đứng trước hai lựa chọn: Trở thành thị trường chuyên gia công phần mềm hay là nơi sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng.
"Trước đây, trong chính sách phát triển ngành công nghiệp phần mềm, chúng ta chú trọng tới một kỹ sư phần mềm làm được bao nhiêu phần trăm giá trị gia tăng, đem lại bao nhiêu GDP cho đất nước. Tuy nhiên, chính sách giờ đây là đẩy mạnh ngành công nghiệp phần mềm để những ứng dụng của nó có thể đem lại hiệu quả vào trong từng lĩnh vực cụ thể như y tế, giáo dục, góp phần nâng cao dân trí", ông Nguyễn Văn Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam phân tích.
Cả nước hiện có 7 khu công nghiệp phần mềm tập trung đang hoạt động với tổng doanh thu đem lại một năm khoảng hơn 1 tỷ USD. Phát triển công nghiệp phần mềm là một lợi thế của Việt Nam nhờ nguồn dân số trẻ rất lớn. Tuy nhiên, để ngành công nghiệp này phát huy hơn nữa, bên cạnh việc hoàn thiện hạ tầng cho ngành công nghiệp phần mềm, việc xác định một hướng phát triển dài hạn cho phát triển công nghiệp phần mềm của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng.