Gian nan bản quyền tác phẩm văn học trên mạng

Vũ Thược-Thứ ba, ngày 04/05/2010 18:00 GMT+7

6 năm tham gia công ước Berne cùng 5 năm thực thi Luật sở hữu trí tuệ đã đưa vấn đề bảo vệ bản quyền các tác phẩm văn học nghệ thuật có những cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, trong sự ổn định mang tính tương đối này, vẫn có những thách thức rất lớn…

Từ câu chuyện của Google Books
Ra đời từ năm 2004, Google Books, được coi là một trong những thư viện sách điện tử lớn nhất hiện nay. Tính đến hết tháng 10/2009, Google Books công bố đã scan thành công hơn 10 triệu đầu sách và lưu trữ các ấn bản này dưới dạng số. Tuy nhiên tham vọng số hóa hàng triệu các ấn phẩm của Google Books đã vấp phải những thách thức rất lớn về mặt pháp lý, đặc biệt ở Mỹ và châu Âu. Rất nhiều tác giả, NXB tại Hoa Kỳ đã nộp đơn kiện tập thể, khiếu nại Google Books vì đã vi phạm bản quyền, số hóa các tác phẩm trước khi có sự đồng ý của tác giả. Từ những đơn khiếu nại này đã dẫn đến một bản thỏa thuận dàn xếp giữa Google Books với các tác giả có sách được số hóa, trong đó có các tác giả VN vào đầu năm 2009.
Cho tới thời điểm này, tiến trình của sự kiện này đã rẽ sang một hướng khác do những điều kiện trong thỏa thuận thu xếp ban đầu giữa Google Books và các tác giả đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên ở một góc nhìn khác, sự kiện này không chỉ đơn thuần là vấn đề tài chính. Ở một mức độ nào đó, thỏa thuận với Google được coi là một lực tác động, làm dấy lên câu chuyện bản quyền vốn đã không được chú ý đúng mức.
Nhà văn Y Ban cho biết: “Thực ra lúc đó, các nhà văn chúng tôi chia ra làm hai luồng dư luận. Một là được lên Google, đó là điều sang trọng để mọi người cùng biết đến… Một luồng dư luận thứ hai, các nhà văn nói rằng không thể như thế được, muộn còn hơn không và quyết đấu tranh đến cùng với Google”.
Cách ứng xử và thái độ khác nhau với cùng một trường hợp cụ thể của Google Books đã cho thấy phần nào thực tế trong nhận thức về vấn đề bản quyền. Từ đó cũng mở một hiện trạng phức tạp hơn nhiều của câu chuyện bản quyền các tác phẩm văn học trên mạng.
Đến những thách thức từ môi trường mở
Sự phát triển của công nghệ trong những năm gần đây khiến việc sao chép các tác phẩm văn học trên mạng Internet trở nên quá dễ dàng. Thậm chí giờ đây, ngoài Internet, các thiết bị di động cũng là nơi độc giả có thể tìm kiếm hàng trăm các tác phẩm văn học không hề có bản quyền.
Thói quen đọc miễn phí của độc giả Việt Nam cũng là một trong những yếu tố khiến sự sao chép, copy các tác phẩm văn học càng trở nên tràn lan. Nhiều blog cá nhân hay các website của một nhóm bạn trẻ đã thành nơi phát hành và phát tán những tác phẩm không có bản quyển.
Nhưng trước thực tế đó, các nhà văn lại gần như chỉ biết “thủ thế chờ thời” theo như chia sẻ của nhà văn Trang Hạ, một trong những tác giả văn học mạng khá được yêu thích hiện nay. Sự “im lặng cam chịu” này cũng không có gì quá khó hiểu bởi với khả năng của một vài nhà văn hiện nay, việc kiểm soát tình hình hay tự bảo vệ mình là điều không thể. Các nhà văn chờ đợi ở nhà quản lý. Song thực tế của vấn đề bản quyền bao giờ cũng đa dạng hơn so với những gì có trên văn bản luật.
Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, Giám đốc trung tâm quyền tác giả văn học cho rằng: “Hệ thống quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng chưa thực sự có những biện pháp mạnh mẽ, chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và đưa ra những cơ chế thích hợp cho việc bảo vệ quyền tác giả”.
Khó nhưng vẫn phải vào cuộc
Bản quyền là một vấn đề phức tạp… Bản quyền trên mạng Internet qua các hình thức sao chụp lại càng phức tạp. Đó là chia sẻ của rất nhiều đại biểu các hội thảo về sở hữu trí tuệ trong thời đại số. Chỉ riêng với một tác phẩm văn học, những thành phần liên quan tới bản quyền đã rất đa dạng và nhiều khi tác giả không còn là chủ sổ hữu duy nhất.
Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, Luật Bản quyền ở bất cứ quốc gia cho dù là tiên tiến nào cũng luôn trong quá trình hoàn thiện cho phù hợp với những thay đổi của thực tế. Sự cập nhật này đỏi hỏi sự thường xuyên, liên tục và đi kèm với đó là sự giáo dục về nhận thức và những chế tài phù hợp.
Một kinh nghiệm khác từ các nước đi trước trong vấn đề bản quyền là việc thành lập một loạt các Hiệp hội với chức năng liên kết các chủ sở hữu và tự bảo vệ mình. Điều này vừa giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan nhà nước, vừa tạo quyền chủ động cho các chủ sở hữu. Cuộc vận động thành lập Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam có thể coi là tín hiệu đáng mừng cho việc giải quyết các vấn đề bản quyền liên quan tới môi trường điện tử trong thời gian tới.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước