Ebook – Xu hướng tất yếu
Những tác phẩm văn học kinh điển, những cuốn sách bán chạy, tạp chí hay sách báo…Thay vì phải mua bản in, độc giả có thể tiếp cận tất cả những ấn phẩm này rất đơn giản thông qua phiên bản điện tử bằng các thiết bị như máy tính cá nhân, các thiết bị điện tử chuyên dụng hay điện thoại di động.
Được khởi nguồn từ những năm 70, phát triển mạnh vào những năm 90 nhưng sách điện tử chỉ trở thành một ngành công nghiệp khi hãng bán lẻ trực tuyến Amazon quyết định bán các phiên bản ebook trên Internet lần đầu tiên vào năm 1995 và cho ra mắt thiết bị dịch vụ và thiết bị đọc sách chuyên dụng Kindle.
“Nếu bạn mua thiết bị đọc sách Kindle, chúng tôi có một công nghệ gọi là đồng bộ và kết nối, qua đó bạn có thể đọc sách ở bất cứ đâu, trên chiếc điện thoại blackberry hay trên chiếc Ipad mới. Nếu bạn buộc phải đọc tài liệu trong vòng 2h hay nhiều hơn những thiết bị điện tử như Kindle sẽ cho bạn giải pháp”, ôngJeff Bezos, Giám đốc điều hành của Amazon khẳng định.
Bước đột phá của Amazon tại thị trường sách điện tử vào những năm 2000 đã khiến nhiều đại gia trong ngành xuất bản và công nghệ chính thức tuyên bố tham gia vào mảng kinh doanh đầy tiềm năng này.
Nhà phát hành sách hàng đầu của Mỹ Barnes and Nobles ra mắt thiết bị và dịch vụ đọc sách Nook với thiết bị nhỏ gọn có kết nối 3G. Google, Samsung, Sony hay Apple cũng quyết tâm không đứng ngoài cuộc với những bước đi rất táo bạo về sản phẩm cũng như bản quyền.
Khối lượng sách lớn, dễ tiếp cận khi di chuyển, mạng phân phối gần như không có giới hạn qua Interner và giá thành rẻ do không phải tốn chi phí in ấn là những ưu điểm dễ dàng nhận thấy của ebook.
Sự có mặt của những thiết bị đọc sách tiên tiến như Kindle, Nook hay Ipad gần như là bước quyết định tác động đến thị trường sách điện tử thế giới. Con số 100 triệu đầu sách được kho sách trực tuyến iBookstore của Apple bán ra trong năm đầu tiên hoạt động đã cho thấy kinh doanh sách điện tử đang rất nóng.
Người đứng đầu Amazon.com cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta đang sống trong một thế giới đa thiết bị. Bạn có một chiếc máy tính bảng như Ipad và cũng có thể sở hữu một sản phẩm là đối thủ của Ipad, một chiếc smartphone hay một chiếc máy tính xách tay. Các thiết bị này không phủ định lẫn nhau và chúng chỉ làm việc đọc của bạn dễ dàng hơn”.
Mặc dù còn một số vấn đề liên quan đến bản quyền hay giá của các thiết bị đọc sách, các chuyên gia vẫn rất lạc quan về tương lai của sách điện tử. Một số chuyên gia công nghệ còn tin tưởng ebook sẽ là tương lai của văn hóa đọc khi ngày nay không ít cuốn sách chỉ xuất hiện dưới dạng ebook thuần túy và hoàn toàn không có bản in.
Ebook ở Việt Nam – Thị trường tiềm năng?
Sống và công tác ở nước ngoài trong thời gian khá dài, Trang Hạ là số ít các nhà văn tiếp cận nhanh chóng và tận dụng tối đa những tiến bộ về công nghệ để đưa sách của mình tới người đọc nhanh hơn, dễ dàng hơn và trên diện rộng hơn. Từng viết văn trên blog, đi đầu trong phong trào văn mạng, ở thời điểm hiện tại, Trang Hạ cho rằng, các nhà văn đã có thể nghĩ đến sách điện tử dù thị trường còn không ít thách thức.
“Điều gì cuốn hút ở sách điện tử? Tôi nghĩ đó là trào lưu công nghệ cao và nó giúp bạn tận dụng toàn bộ những công cụ cầm tay mà bạn đã có. Tức là nếu bạn có sở hữu điện thoại di động có kết nối, điện thoại di động có chức năng đọc thì bạn hoàn toàn là tiềm năng của sách điện tử”, nhà văn Trang Hạ cho biết.
Đây không phải là lần đầu tiên nhà văn Trang Hạ nghĩ tới dịch vụ sách điện tử ở Việt Nam. Năm 2008, chị và một số đối tác đã ấp ủ ý tưởng hình thành một mạng bán sách điện tử nhưng không thành công do nhiều yếu tố khách quan như hạ tầng kỹ thuật, khả năng thanh toán hay thói quen của độc giả. Tuy nhiên, theo nhà văn Trang Hạ rất nhiều điều kiện cho sự phát triển của sách điện tử đã thay đổi.
“Dựa vào nhu cầu đó, lượt truy cập, lượt tìm kiếm, rồi những bài lưu truyền tôi tin là sách điện tử từ bây giờ sẽ có tương lai tại Việt Nam nhất là khi khả năng thanh toán của chúng ta rất là rộng rãi, chúng ta đã có thẻ ATM, chúng ta hoàn toàn có thể thanh toán thì khoảng cách xa một cách thuận tiện và ngay lập tức”, nhà văn Trang Hạ cho biết.
Trên thực tế, sách điện tử ở Việt Nam đã âm thầm phát triển trong vài năm qua với các diễn đàn dành riêng cho ebook ngày một nhiều. Các diễn đàn này hầu hết được phát triển dựa trên tinh thần đóng góp tự nguyện của các thành viên, được cập nhật tự động và hầu như chưa tính tới yếu tố kinh doanh. Sự tham gia đông đảo của các thành viên trên các diễn đàn ebook bắt nguồn từ nhu cầu thực tế của một lượng lớn độc giả.
Nhận thấy sự sôi động của các diễn đàn ebook, một số nhà xuất bản như Vinabook hay NXB trẻ đã bắt đầu có kế hoạch kinh doanh ebook, đặc biệt là trong hoàn cảnh các thiết bị đọc sách như Kindle, Ipad hay Iphone đang ngày càng phổ biến và được yêu thích ở Việt Nam.
Một số nhà sách cũng đã nhận được lời mời từ các công ty công nghệ nhằm đẩy mạnh kinh doanh ở mảng sách điện tử.
Hay vẫn là “dòng chảy ngầm”?
Phổ biến, là xu hướng trên thế giới, nhưng ebook không hẳn là “mảnh đất màu mỡ” như suy nghĩ nếu không bắt tay vào làm trực tiếp. Tuấn Dũng, trưởng phòng truyền thông của công ty VNN Plus, đơn vị đã sản xuất nhiều ebook kèm theo các cho ấn phẩm của mình cho biết, không dễ dàng để tạo ra thêm giá trị và sức hấp dẫn cho ebook cũng như việc kinh doanh ebook ở Việt Nam sẽ còn rất nhiều khó khăn.
“Thực ra giải pháp về phần mềm của chúng ta là vấn đề rất lớn. Chẳng hạn như phần mềm ở nước ngoài chẳng hạn với một ebook làm ra người ta có thể kèm theo các văn bản mô phỏng kiểu sách cổ, hoặc sách giấy bình thường hay văn bản có độ tương phản cao và người ta đọc như sách thật… Những ứng dụng đấy thì đang là vấn đề, để làm sao đấy sách điện tử của mình khi hiện thị lên các thiết bị số nó phải thật nét”, Tuấn Dũng cho biết.
Bên cạnh các giải pháp về công nghệ, việc kinh doanh ebook cũng còn gặp khó bởi khả năng thanh toán. Khi độc giả đã quen với việc đọc ở trên các thiết bị di động thì các công cụ thanh toán trực tuyến cho việc mua sách lại chưa đủ phong phú và tiện dụng. Bản thân các nhà xuất bản dù đã có ý tưởng nhưng gần như chưa có những hoạt động chính thức nào với thị trường ebook. Một số nhà sách cũng chưa có định hướng rõ ràng với mảng kinh doanh mới khi có những lời mời từ các đối tác công nghệ.
Ngoài việc tạo ra thói quen đọc ebook cho độc giả, việc các diễn đàn ebook phát triển mạnh trong những năm qua lại chạm đến một vấn đề rất căn bản của sách điện tử là bản quyền. Giống như bản quyền ở nhiều lĩnh vực khác, bản quyền sách điện tử là một thách thức với tất cả những ai muốn tham gia vào thị trường rất tiềm năng này.