Số hoá truyền hình Analog – Bức thiết nhưng cần sự cẩn trọng

Q.Thắng-Thứ hai, ngày 07/09/2009 16:51 GMT+7

Truyền hình Analog hay còn gọi là truyền hình tương tự đã xuất hiện gần 60 năm trước và làm thay đổi thế giới. Tuy nhiên, trong sự phát triển của công nghệ, công nghệ số đang khiến kỹ thuật tuơng tự từng ngày trở nên lỗi thời. Tại Việt Nam, công nghệ truyền hình Analog cũng đã được quyết định sẽ bị “khai tử” trước năm 2020. Tuy nhiên, việc hoàn tất chuyển đổi quả thực không đơn giản và khi thực hiện cần phải có lộ trình...

Từ truyền hình sơ khai đến Analog

Thủa sơ khai của ngành truyền hình, hình ảnh được làm rất cơ học bằng một bánh quay. Năm 1886, Paul Gottlieb Nipkow -một sinh viên người Đức đã phát minh ra máy vô tuyến. Thiết kế quay đĩa của Nipkow được xem là chuyển đổi hình ảnh thành các chấm điểm...

Đến năm 1934, tại Anh, truyền hình đĩa quét cơ học đã rất quen thuộc nhưng nó không dừng lại ở đó khi vô tuyến điện tử - một phát minh của Philo Taylor Farnsworth ra đời. Farnsworth đã tạo ra máy phân tách hình ảnh, với ống đèn hình chân không nhằm phát tín hiệu truyền hình điện tử - biến phát minh này trở thành bước đột phá trong công nghệ truyền hình của nhân loại...

Đến truyền hình Analog, chiếc vô tuyến điện tử đã trở nên quá quen thuộc với mỗi gia đình... Ngồi trước một chiếc tivi, người ta có thể biết mọi diễn biến từ khắp nơi trên thế giới. Truyền hình đã thực sự trở thành hơi thở của cuộc sống, là phương tiện giải trí, truyền tải thông tin không thể thiếu của đời sống hiện đại...

Truyền hình Analog là công nghệ truyền hình mà tín hiệu hình ảnh và âm thanh “tương tự” với hình ảnh và âm thanh có thật. Nghĩa là hình ảnh và âm thanh được biến đổi trực tiếp trở thành tín hiệu điện mà tính chất của nó không thay đổi. Vì phải “tương tự” như vậy nên tín hiệu chiếm một khoảng không gian rộng (8MHz), chỉ có thể chứa được một chương trình trong mỗi kênh phát sóng.

... Đến dòng chảy số hoá

Khác với Analog, truyền hình số là công nghệ truyền hình mà tín hiệu là những “thông báo” chỉ vị trí của hình ảnh và âm thanh trong không gian bằng mã số nhị phân. Nghĩa là tín hiệu số không do sự biến đổi hình ảnh và âm thanh, mà đó là chỉ dẫn quy ước để gởi đi và hồi phục lại hình ảnh và âm thanh ban đầu. Do không cần thiết phải tương tự nên tín hiệu có thể nén và cô đặc lại nhiều chương trình truyền hình trên một kênh.

Theo ông John C.Malone, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Tele – Communications, Inc “Công nghệ kỹ thuật số đã thực sự thúc đẩy kỹ thuật thông tin. Lần đầu tiên người ta có thể nghĩ tới trên một đường truyền có một dữ liệu Video, điện thoại, băng tần dải hẹp, có dây và không dây. Tất cả điều này chỉ có thể thực hiện dưới dạng một chuỗi tức là các số 1 và số 0. Có thể coi như là một công việc truyền tin dưới rất nhiều hình thức khác nhau nhưng về đường truyền thì giống nhau”.

Muốn biến thế giới “tương tự” thành số cần phải có sự chuyển đổi. Để thế giới âm thanh và hình ảnh đến với bạn dưới dạng một chuỗi số, trước hết những giai điệu âm thanh và màu sắc phải chuyển đổi thành một dãy số 1 và 0. Hình ảnh và âm thanh được chuẩn hoá, lấy mẫu số hoá và truyền đi... Công nghệ số không chỉ đem đến hình ảnh mà còn tạo ra không gian trên đường cáp cho tất cả các kênh truyền hình mới nhờ phương pháp nén hình....

Ông Andrew B.Lippman, Viện công nghệ Massachusetts cho rằng: “Điểm cơ bản trong việc nén hình là giảm số Bit trong tín hiệu truyền hình. Tín hiệu này có thể giảm đi hàng triệu Bit để có thể hạ thấp tần số, giảm thiểu số lượng để có thể truyền qua đường dây diện thoại, thích hợp với đĩa Compact, các băng casset, truyền dễ dàng qua vệ tinh nhân tạo và phát sóng trong không gian".

Theo GS Nguyễn Văn Ngọ, Chủ tịch hội Vô tuyến điện tử Việt Nam “Ưu điểm hết sức đặc biệt của truyền hình số là tính tiết kiệm tần phổ... trên một kênh truyền hình Analog thì có thể phát đến 6 chương trình của truyền hình số. Điều đó có nghĩa là đáng lẽ ta dùng 6 máy phát thì giờ chỉ cần một máy phát, 1 máy phát thì ta bớt được 5 lần mức điện tiêu thụ, và cũng bớt đi được 5 lần về diện tích đặt máy, angten ít ra cũng bớt đi được 3 lần... Một điểm nữa quan trọng hơn là ta có thể rải mạng trên toàn lãnh thổ Việt Nam nhưng chỉ cần dùng 1 tần số”...

Không ai phủ nhận truyền hình số mang những ưu điểm nổi trội so với truyền hình tương tự. Chính vì vậy, vào thời điểm hiện nay, người ta đang được chứng kiến làn sóng số hoá từ khắp mọi nơi trên thế giới. Nhiều quốc gia đã rục rịch cho một trong những cuộc thay đổi lớn nhất của lịch sử nhân loại, nhiều quốc gia đã số hoá một phần và thậm chí gần 10 quốc gia đã tuyên bố “khai tử” hoàn toàn truyền hình Analog để chuyển sang phát số.

Luxembourg là quốc gia đầu tiên trên thế giới hoàn tất thành công quá trình chuyển đổi thành công từ truyền hình analog sang truyền hình số. Ngày 01/09/2006 là ngày đánh dấu kỷ nguyên truyền hình số ở quốc gia này. Sau Luxembourg, lần lượt Hà Lan, Phần Lan, Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ, Đức và mới đây nhất, ngày 13/06/2009, Mỹ đã tuyên bố chuyển đổi thành công truyền hình công nghệ Analog sang công nghệ số hoàn toàn.

Theo thông tin từ Giáo sư Nguyễn Văn Ngọ, Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam, hầu như các nước có nền truyền hình phát triển đều đã xây dựng lộ trình để chuyển đổi hoàn toàn sang số trước năm 2015. Trong tương lai gần, cả thế giới sẽ được số hoá để chính thức xoá sổ công nghệ truyền hình Analog trên toàn cầu. G.S Nguyễn Văn Ngọ dự đoán rằng “chỉ khoảng 2015 đên 2016 thì Việt Nam cũng hoàn thành được việc chuyển đổi”.

Số hoá tại Việt Nam – bức thiết nhưng cần cẩn trọng

Làn sóng số hoá đang vươn mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu. Tại Việt Nam, chúng ta cũng đang từng ngày được chứng kiến sự xâm thực của làn sóng này. Ngày 16/2/2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, sẽ ngừng việc sử dụng công nghệ truyền hình tương tự để chuyển hoàn toàn sang công nghệ số. Muốn thực hiện được điều này, chúng ta cần có một lộ trình cụ thể, chấp nhận những khó khăn để triển khai một cách hợp lý. Câu chuyện số hoá tại Đài Truyền hình Việt Nam là một ví dụ...

Theo Tiến sỹ Ngô Thái Trị, Giám đốc Trung tâm tin học đo lường, Đài Truyền hình Việt Nam, khi nói về việc chuyển đổi từ truyền hình Analog sang truyền hình số cần phải đề cập tới 3 công đoạn: khâu sản xuất chương trình, khâu truyền dẫn tín hiệu và thứ ba là phát sóng quảng bá cho đại bộ phận khán giả xem. Tại Đài Truyền hình Việt Nam, những bước chuyển đổi sang công nghệ số đã được thực hiện từ những năm 2000.

T.S Ngô Thái Trị cho biết: “Đối với Truyền hình Việt Nam ở giai đoạn chuyển đổi sản xuất chương trình không phải bây giờ mới bắt đầu mà đã bắt đầu từ năm 2000. Hiện nay, thiết bị sản xuất chương trình đã chuyển sang công nghệ số vào quãng 40-50%... Về truyền dẫn tín hiệu, từ VTV đi các tỉnh đã được số hoá 100% từ năm 2000. Khâu cuối cùng, khâu phức tạp nhất chính là khâu phát sóng quảng bá thì hơi phức tạp một chút vì nó liên quan đến người dân. Do đó, Đài THVN mới đang phát thử nghiệm hơn 30 kênh số trên mạng Cáp”.

Mặc dù được tiến hành từ những năm 2000 nhưng truyền hình số vẫn chưa được VTV phát sóng quảng bá. Trở ngại thuộc về điều kiện khách quan khi mà VTV có chức năng nhiệm vụ chính trị to lớn là tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước đến hơn 16 triệu hộ xem ti vi Analog. Nếu VTV đột ngột chuyển sang phát sóng số, việc xem truyền hình của 16 triệu hộ này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Khi đó, nếu muốn xem truyền hình, người dân bắt buộc phải mua thiết bị chuyển đổi, đầu thu hay ti vi kỹ thuật số. Tổng kinh phí mua thiết bị trong dân quả thực là bài toán không đơn giản. Bên cạnh đó là số thiết bị Analog của Đài vẫn còn nhiều, một số chưa hết giá trị khấu hao, trong thời điểm hiện tại sẽ rất lãng phí khi vứt bỏ toàn bộ số này để đầu tư cho thiết bị số. Những khó khăn này là khó khăn chung của nhiều Đài trong khu vực. Một lộ trình hợp lý nhất, theo Tiến sỹ Trị là VTV sẽ số hoá dần dần, từng bước. Số hoá phải hướng đến cả công nghệ SDTV -độ phân giải tiêu chuẩn và HDTV – truyền hình độ phân giải cao, khuôn hình 16:9.

T.S Ngô Thái Trị đề xuất quá trình chuyển đổi “phải chuyển đổi dần dần, chuyển đổi từng kênh, từng chương trình và từng giai đoạn. Ví dụ VTV1 có thể chuyển sau nhưng một số kênh có thể mở thêm kênh số mới. Bà con xem truyền hình tương tự vẫn có thể xem truyền hình tương tự cho đến khi diện phủ sóng của kênh số phát triển dần lên đến mức số người xem truyền hình số xấp xỉ số người xem tương tự hay nói cách khác, số người xem truyền hình tương tự chỉ còn 5-7% thì lúc đó là thời điểm chúng ta chấm dứt công nghệ tương tự, phát sóng tương tự chuyển sang phát sóng số”...

Về khó khăn của VTV, theo GS Nguyễn Văn Ngọ đó là “Khó khăn chung trên toàn thế giới chứ không riêng gì chúng ta cả. Chúng ta đã sử dụng truyền hình Analog trên 60 năm rồi, số lượng người dân mua máy đầu tư vào đấy là khá nhiều. Bây giờ các Đài chuyển đổi sang một phương thức phát sóng khác thì người dân tất nhiên phải trang bị lại thiết bị”.

Bài toán chuyển hoàn toàn sang số hoá rõ ràng không đơn giản, đặc biệt với những Đài lớn, Đài Quốc gia dù đi đầu về công nghệ cũng không thể ngay lập tức phát sóng số. Chuyển sang số là bức thiết, là tất yếu nhưng với đặc điểm riêng của từng Đài, ở từng quốc gia người ta phải tiến hành theo các cách khác nhau. Ở Việt Nam, cuộc chuyển đổi lớn lao này càng phải được tiến hành thận trọng, bởi truyền hình quảng bá, miễn phí, phục vụ các tầng lớp nhân dân có mức sống thấp vẫn cực kỳ quan trọng. VTV chấp nhận bị mang “tiếng oan” là chậm đổi mới về công nghệ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó. T.S Ngô Thái Trị nhấn mạnh: “Đài THVN là một Đài THQG, trực thuộc chính phủ. Nhiệm vụ số một của Đài THVN là phương tiện tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng... nên không thể ngay lập tức chuyển sang công nghệ mới”...

Để đảm bảo cho việc triển khai tốt nhất việc chuyển đổi analog sang công nghệ số trên toàn quốc, hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng dựng Đề án số hoá truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình mặt đất, với những lộ trình cụ thể.

Cùng với đó, công tác xây dựng và sửa đổi Luật Viễn thông, Luật Báo chí, Luật Tần số vô tuyến điện, Quy hoạch viễn thông, Quy hoạch phát thanh truyền hình… cũng đang được gấp rút thực hiện nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý để thúc đẩy phát triển hạ tầng truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình.

Rõ ràng công nghệ số đang ở trong tầm tay của chúng ta nhưng việc chuyển đổi từ công nghệ truyền hình tương tự sang truyền hình sử dụng công nghệ số trên một diện rộng không thể hoàn tất trong một sớm một chiều. Đài Truyền hình Việt Nam, với vị thế là Đài Truyền hình quốc gia, đặt lợi ích của người xem lên hàng đầu đang từng ngày nỗ lực để đem đến một chất lượng nội dung, hình ảnh tốt nhất, ít tốn kém nhất cho người xem truyền hình cả nước.

Mặc dù được tiến hành từ những năm 2000 nhưng truyền hình số vẫn chưa được VTV phát sóng quảng bá. Trở ngại thuộc về điều kiện khách quan khi mà VTV có chức năng nhiệm vụ chính trị to lớn là tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước đến hơn 16 triệu hộ xem ti vi Analog. Nếu VTV đột ngột chuyển sang phát sóng số, việc xem truyền hình của 16 triệu hộ này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Khi đó, nếu muốn xem truyền hình, người dân bắt buộc phải mua thiết bị chuyển đổi, đầu thu hay ti vi kỹ thuật số. Tổng kinh phí mua thiết bị trong dân quả thực là bài toán không đơn giản. Bên cạnh đó là số thiết bị Analog của Đài vẫn còn nhiều, một số chưa hết giá trị khấu hao, trong thời điểm hiện tại sẽ rất lãng phí khi vứt bỏ toàn bộ số này để đầu tư cho thiết bị số. Những khó khăn này là khó khăn chung của nhiều Đài trong khu vực. Một lộ trình hợp lý nhất, theo Tiến sỹ Trị là VTV sẽ số hoá dần dần, từng bước. Số hoá phải hướng đến cả công nghệ SDTV -độ phân giải tiêu chuẩn và HDTV – truyền hình độ phân giải cao, khuôn hình 16:9.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước