Người tiêu dùng cần cảnh giác và tìm hiểu kỹ khi tham gia các sàn thương mại điện tử. Ảnh minh họa.
Bộ Công thương vừa dẫn chiếu thêm 1 nạn nhân mới là một DN nhập khẩu gỗ để cảnh báo cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, hồi tháng 7, DN này đã kết nối với một nhà cung cấp gỗ ở Cameroon có tên Woodventure Group qua trang web www.ceblaza.net.
Theo hợp đồng, nhà xuất khẩu Cameroon sẽ cung cấp một khối lượng gỗ trị giá hơn 400.000 USD, công ty Việt Nam đặt cọc 10% giá trị hợp đồng, 90% còn lại thanh toán qua ngân hàng. Sau khi bên mua nhận được chứng từ gốc, thời gian giao hàng là trong vòng 2 tuần kể từ ngày nhận tiền đặt cọc nhưng tới nay đã hơn một tháng, người bán đã không thực hiện và cắt đứt mọi liên lạc.
Theo Bộ Công thương, kịch bản lừa thường là vẽ ra hợp đồng có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam rồi yêu cầu đặt cọc, sau khi nhận tiền thì biến mất tưởng chừng quá đơn giản và được sử dụng đi sử dụng lại nhưng vẫn lừa được nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù các thương vụ thường xuyên cảnh báo và chỉ đích danh đối tượng nhưng các doanh nghiệp vẫn bỏ qua và bị sập bẫy.
Bộ Công thương cảnh báo, các đối tượng lừa đảo thường tập trung tại các nước châu Phi như Nigeria, Ghana, Benin, Togo, Cameroon.