“Chiều cuối năm Quý Tỵ là chương trình có bối cảnh hoành tráng nhất!”

Lan Chi, Ảnh: Chương trình cung cấp-Thứ tư, ngày 29/01/2014 21:10 GMT+7

Đó là ghi nhận của BTV Kiều Trinh về không gian rộng lớn tại vùng đất Cố đô được ê-kíp lựa chọn là địa điểm ghi hình cho chương trình Chiều cuối năm Quý Tỵ.

Được biết chương trình “Chiều cuối năm” lần này ghi hình tại Cố đô Hoa Lư, Tràng An và chùa Bái Đính. Chị có thể chia sẻ một chút về ý tưởng này?

Đúng như bạn đề cập, năm nay, 3 địa điểm chúng tôi ghi hình là Cố đô Hoa Lư – Di tích đặc biệt cấp quốc gia, chùa Bái Đính – ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á và Tràng An – Di sản đang trên con đường trở thành Di sản thế giới. Ý tưởng thực hiện chương trình này nhen nhóm sau khi chúng tôi thực hiện Chiều cuối năm: Không gian Xuân trên đất Tổ Phú Thọ vào năm trước.

Những năm gần đây, Ninh Bình là một điểm sáng du lịch phía Bắc, nằm trong tam giác tăng trưởng du lịch Hà Nội – Ninh Bình – Quảng Ninh. Đây cũng là địa phương sở hữu nhiều cảnh đẹp thiên nhiên nổi trội và giá trị văn hóa độc đáo. Cố đô Hoa Lư được xem là mảnh đất lịch sử địa linh nhân kiệt, nơi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 xứ quân, lên ngôi hoàng đế Đinh Tiên Hoàng, lập ra nước Đại Cồ Việt – nhà nước phong kiến đầu tiên trong lịch sử các triều đại phong kiến của Việt Nam, ngang hàng với các đế vương khác.

Chùa Bái Đính là một quần thể kiến trúc đẹp, rất phù hợp với nhiều nội dung ngày xuân như biểu diễn thư pháp, các ca khúc về sen và tục đi chùa đầu xuân. Đặc biệt, Tràng An là địa danh đang trên hành trình ứng cử thành Di sản thế giới với hai tiêu chí hỗn hợp cảnh quan thiên nhiên, địa chất địa mạo và văn hóa và được ví như một Hạ Long trên cạn.

Với những yếu tố đó, việc thực hiện Chiều cuối năm với không gian Xuân tại vùng đất Cố đô sẽ là một cơ hội để quảng bá cho Tràng An nói riêng và rất nhiều di sản văn hóa Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc.

‘ BTV Kiều Trinh trong buổi ghi hình "Chiều cuối năm"

Vậy ê-kíp sản xuất đã mất bao lâu để hoàn thiện kịch bản? Quá trình chuẩn bị cho ngày ghi hình có gì khó khăn không, thưa chị?

Có một thuận lợi là phóng viên chuyên trách về văn hóa du lịch chúng tôi đã nhiều lần đến Ninh Bình và gần như thuộc lòng những địa danh ở đây, cảnh đẹp và những nét văn hóa riêng có. Cách đây 4 tháng, chúng tôi đi khảo sát lần đầu, làm việc sơ bộ với UBND tỉnh và Sở VH-TT&DL Ninh Bình. Sau đó, chúng tôi mới bắt tay vào thực hiện một kịch bản tổng thể.

Trước khi tiến hành ghi hình 2 tháng, ê-kíp chương trình gồm tổng đạo diễn Hoàng Sơn, tôi với vai trò tác giả kịch bản, đạo diễn Cao Trí, đạo diễn Chu Tuấn và ê-kíp kỹ thuật đã khảo sát kỹ lưỡng một lần nữa về bối cảnh, nơi đặt xe màu, các thiết bị ghi hình, khả năng ghi hình trên mặt nước, trên không...

Sau đó, khoảng một tháng trước ngày ghi hình, toàn bộ ê-kíp sản xuất bao gồm đạo diễn, quay phim, MC, bộ phận âm thanh, ánh sáng, đội ngũ kỹ thuật, biên tập... đã có những cuộc họp chi tiết với UBND tỉnh Ninh Bình, Sở Văn hóa TT&DL và các đầu mối liên quan như Ban quản lý danh thắng Tràng An, Ban Quản lý Cố đô hoa Lư, Doanh nghiệp Xuân Trường, đoàn chèo Ninh Bình cùng nhà hát Ca múa nhạc quốc gia Việt Nam để thảo luận về kịch bản, cách thức tổ chức và phối hợp thực hiện chương trình.

Trong một không gian rất rộng là Cố đô Hoa Lư, chùa bái Đình với nhiều lớp lang và đặc biệt là không gian trên bến dưới thuyền ở Tràng An, tất nhiên việc ghi hình và chuyển tải hình ảnh cho Chiều cuối năm là rất phức tạp và có thể nói là phức tạp nhất trong 7 năm thực hiện chương trình này. Nhưng chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm cùng với sự phối hợp ăn ý sự hỗ trợ nhiệt tình từ tỉnh Ninh Bình, từ chính quyền cho đến người dân nên toàn bộ 1 ngày chuẩn bị và 4 ngày ghi hình diễn ra khá suôn sẻ. Thêm nữa, trong suốt 4 ngày ghi hình (từ 18 - 21/1) tiết trời nắng đẹp nên toàn bộ cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mỹ và những nét kiến trúc, họa tiết, hoa văn tại các di tích trở nên đẹp hơn bao giờ hết. Đó cũng là một trong những thành công của chương trình.

‘ Hệ thống máy quay phục vụ ghi hình "Chiều cuối năm"

Nói như vậy nghĩa là để có được một chương trình công phu như “Chiều cuối năm” và chuyển tải hết những nét văn hóa cổ truyền trong ngày Tết, lượng người tham gia cũng là một con số đáng kể?

Đúng vậy! Vì “phong cách” của Chiều cuối năm từ khoảng 4 – 5 năm nay luôn được chúng tôi gắn với cảnh sắc thiên nhiên và bối cảnh thực chứ không bó hẹp trong trường quay. Chúng tôi đã từng thực hiện chương trình tại Bảo tàng dân tộc học, Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, Việt Phủ Thành Chương, Đất tổ Phú Thọ và giờ là các bối cảnh của Cố đô Hoa Lư Ninh Bình.

Chúng tôi luôn muốn người dân thực sự là chủ thể của các lễ hội xuân, không gian xuân và tất cả các tiết mục trong chương trình từ lễ hội đến diễn xướng dân gian, trò chơi truyền thống, múa hát truyền thống, ẩm thực xuân... nên năm nay lượng người dân và các nghệ sỹ tham gia vào khoảng hơn 1.000 người.

Điều này tạo nên một hiệu ứng rất đặc biệt, khiến không khí rộn ràng và chân thật khi người dân ở mọi thành phần, lứa tuổi cùng tham gia vào các tiết mục với các văn nghệ sỹ. Và hình ảnh các nhà nghiên cứu văn hóa, các hoa hậu, người mẫu, MC cũng được hòa quyện với các hoạt động Tết của bà con địa phương.

Được biết “Chiều cuối năm” là một thương hiệu của VTV từ năm 2007. Vậy, trong lần thứ 7 sản xuất, nội dung nào sẽ là điều khác biệt và trở thành điểm nhấn của chương trình vậy chị?

Năm nay có thể nói là năm mà chúng tôi đầu tư cho bối cảnh hoành tráng nhất, mức độ tổ chức sản xuất, phối hợp phức tạp nhất và toàn bộ các cảnh đều quay ngoài trời. Vì thế mà các thiết bị ghi hình cũng đặc biệt hơn là steadicam, ray, cẩu và đặc biệt là flying-cam.

Các bạn sẽ nhìn thấy những đại cảnh lễ hội non sông ở Cố đô Hoa Lư, không gian xuân trên bến dưới thuyền ở Tràng An qua hình ảnh từ flying-cam. Cùng với đó là hình ảnh các nhân vật tham gia chương trình hòa lẫn vào người dân được thể hiện một cách chân thật. Tất cả các phần trao đổi, phỏng vấn, trò chuyện đều được ghi hình bằng steadicam – máy quay di chuyển theo người dẫn chương trình. Đó là điểm đặc biệt về cách thể hiện.

Còn về nội dung, không gian xuân trên Cố đô sẽ dẫn dắt chúng ta trở về với những giá trị văn hóa lịch sử của mảnh đất Hoa Lư, những giá trị kết nối Hoa Lư – Thăng Long – Thủ đô của Việt Nam, nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của văn hóa Việt. Không gian ấy còn hướng khán giả đến truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt mỗi độ Tết đến Xuân về.

‘ Màn trình diễn áo dài họa tiết hoa sen sẽ có trong chương trình

Nếu như ở Hoa Lư, chúng tôi dựng một ngày hội non sông với những tinh hoa nghệ thuật các vùng miền Việt Nam, tái hiện hình ảnh Đinh Bộ Lĩnh đăng quang ngôi Hoàng đế qua nghệ thuật chèo thì ở chùa Bái Đính lại là không gian ẩm thực xuân và thư pháp. Tại đó còn có những tiết mục nghệ thuật phù hợp với bối cảnh chùa như phần thể hiện Sen hồng hư không của ca sĩ Tùng Dương, màn trình diễn bộ sưu tập áo dài sen đặc biệt do nhà thiết kế Minh Hạnh sáng tạo. Cũng tại không gian này, lần đầu tiên, chúng tôi có ý tưởng để nhóm Cỏ lạ và Năm dòng kẻ thể hiện ca khúc Nhật Nguyệt của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn...

Còn ở Tràng An, khán giả sẽ được tham gia vào một không gian xuân trên bến - dưới thuyền. Trên bến là cả một không gian chợ Tết – nơi bạn sẽ được hưởng hương vị của bánh chưng, chứng kiến các nghệ nhân thi giã giò. Tại đây còn có 4 gian hàng ẩm thực của Cố đô, ẩm thực Thăng Long, ẩm thực đặc sản các vùng miền và đồ thủ công mỹ nghệ. Ở góc chợ là hình ảnh các em nhỏ với những trò chơi dân gian truyền thống, là hát xẩm – nghệ thuật nổi tiếng của đất Ninh Bình, là chợ hoa... Còn dưới thuyền là lễ hội sông nước truyền thống Tràng An. Cũng trong không gian Di sản Tràng An, khán giả sẽ được thưởng thức ca Huế và đờn ca tài tử Nam Bộ.

Còn về những vị khách mời đặc biệt tham gia “mâm cỗ” đặc biệt này. Chị sẽ bật mí chứ?

Vâng, tất nhiên không thể thiếu họ. Nói về ẩm thực là nghệ nhân nổi tiếng Ánh Tuyết. Bên cạnh đó, chương trình còn có sự tham gia của những nhà nghiên cứu văn hóa uy tín như GS.TSKH Vũ Minh Giang, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan hay nghệ sỹ điện ảnh Trung Hiếu với một vai rất mới, rất thú vị.

Còn về nghệ thuật, nhiều năm nay, chúng tôi vẫn cộng tác với Nhà hát ca múa nhạc quốc gia Việt Nam, nhạc sỹ Quang Vinh, nhà thiết kế Minh Hạnh cùng nhóm người mẫu New Talent, Hoa hậu Ngọc Hân, Á hậu Hoàng Anh, Hoa hậu biển Nguyễn thị Loan. Chương trình cũng có sự tham gia biểu diễn của ca sĩ Thanh Lam, Tùng Dương, Anh Thơ, Vân Khánh, Nhóm Cỏ lạ, Năm dòng kẻ, Câu lạc bộ đờn ca tài tử Bạc Liêu và đặc biệt là rất nhiều người dân của Ninh Bình, từ các vùng quê đến thành phố. Chính họ sẽ tạo ra một không gian xuân tấp nập, rộn ràng và chân thật nhất!

‘ NTK Minh Hạnh là một trong các vị khách đặc biệt của "Chiều cuối năm"

Năm mới đang cận kề và hẳn là những khán giả thân thiết của VTV cũng gấp rút chuẩn bị mâm cỗ chiều cuối năm cho gia đình. Chị có thể dành tặng khán giả một lời chúc cho những ngày đầu Xuân đang đến gần?

Thay mặt những người làm chương trình Chiều cuối năm và những người làm văn hóa của VTV, chúc quý khán giả một năm mới an khang, thịnh vương, hạnh phúc và bình an. Mong rằng các chương trình của VTV sẽ luôn là bạn của mọi nhà!

Xin cảm ơn và chúc chị có một “Chiều cuối năm” ấm áp, một năm mới nhiều thành công!

Chiều cuối năm: Không gian Xuân trên đất Cố đô sẽ lên sóng VTV1, VTV2, VTV3 và VTV4 vào 17h ngày 30/1 (tức 30 Tết). Mời quý vị và các bạn chú ý đón xem!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước