Kiệt sức vì công việc là gì?
Kiệt sức vì công việc (burn out) là một dạng cảm xúc, tâm lý căng thẳng tạo ra bởi môi trường làm việc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt kê tình trạng này vào danh mục “bệnh nghề nghiệp” trong Bảng phân loại bệnh tật Quốc tế (ICD). Dù không thực sự được coi là một tình trạng y tế, WHO lưu ý rằng kiệt sức vì công việc vẫn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và khiến bạn phải tìm đến sự hỗ trợ từ các dịch vụ y tế.
Triệu chứng của kiệt sức vì công việc
Dù nhiều điểm giống với căng thẳng (stress), kiệt sức vì công việc có 3 triệu chứng khác biệt nổi bật sau:
- Cảm thấy mệt mỏi hoặc kiệt sức thường xuyên
- Thiếu nhiệt tình và thái độ tiêu cực với công việc ngày càng tăng
- Năng suất làm việc bị giảm sút
Bên cạnh những tổn thất về mặt tinh thần, kiệt sức vì công việc còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thể chất, gây ra các tình trạng như đau đầu, đau nhức cơ thể, mệt mỏi và gặp vấn đề về dạ dày…
Nguyên nhân
Theo một nghiên cứu vào năm 2018 với quy mô hơn 7.500 công nhân tại Mỹ, những lý do phổ biến nhất dẫn đến tình trạng kiệt sức trong công việc có thể kể đến như:
- Tồn tại sự bất công trong môi trường làm việc
- Khối lượng công việc nặng quá sức
- Thiếu rõ ràng trong phân công nhiệm vụ, vị trí
- Thiếu thông tin liên lạc hoặc hỗ trợ từ người quản lý
- Gặp áp lực về mặt thời gian
- Giao tiếp kém hiệu quả
Các phương pháp giải quyết
Cũng giống như tình trạng căng thẳng (stress), kiệt sức do công việc có thể được giải quyết bằng việc đối phó trực tiếp với từng tác nhân gây ra tình trạng này.
Trong cương vị là một người chủ, người sử dụng lao động, bạn có thể làm những điều sau đây:
- Cho nhân viên được kiểm soát nhiều hơn, nhất là về khối lượng và năng suất công việc
- Cho nhân viên nhiều quyền tự chủ và linh hoạt, sáng tạo hơn
- Giảm tiếng ồn tại nơi làm việc
- Cải thiện ánh sáng, nhất là ánh sáng tự nhiên
- Khuyến khích và tạo điều kiện cho sự hợp tác tại nơi làm việc
Nếu bạn là một nhân viên và đang vướng phải tình trạng kiệt sức tồi tệ này, bạn có thể tham khảo một vài cách sau để loại bỏ và cải thiện nó:
- Nói chuyện với cấp trên của bạn: giải thích về cảm giác mà bạn đang phải trải qua, nếu ra nguyên nhân cho tình trạng đó và bày tỏ một vài mong muốn về sự điều chỉnh khối lượng, thời gian làm việc…
- Chú trọng đến giấc ngủ nhiều hơn: giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng với cả sức khỏe thể chất và tinh thần.
- Tập thể dục thường xuyên: một nghiên cứu năm 2015 đã mời các y tá tham gia vào một lớp học yoga hai buổi mỗi tuần. Kết quả cho thấy rằng những người tham gia vào cuộc thử nghiệm thật sự đã giảm được căng thẳng trong công việc và có giấc ngủ ngon hơn.
- Thực hiện thiền và chánh niệm: một thí nghiệm vào năm 2011 đã cho thấy rằng thiền định có khả năng làm giảm đáng kể căng thẳng và trầm cảm vì nhiều lí do. Bên cạnh đó, một thí nghiệm năm 2019 đã kết luận rằng người thực hiện những phương pháp này từ 2 – 3 lần mỗi tuần không chỉ giảm kiệt sức trong công việc mà còn điều chỉnh được huyết áp.
- Tăng thêm các mối liên hệ xã hội: việc bày tỏ cảm xúc và tìm kiếm sự đồng cảm, động viên từ gia đình và bạn bè góp phần cải thiện đáng kể tâm lý của bạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!