Agritourism: Hướng tới sự phát triển bền vững

Song Anh-Thứ ba, ngày 13/08/2024 06:15 GMT+7

VTV.vn - Agritourism là xu hướng ngày càng được ưa chuộng. Hiện trên thế giới và nước ta đang khai thác du lịch nông nghiệp theo hướng nào?

Agritourism (du lịch nông nghiệp) là loại hình du lịch kết hợp với nông nghiệp, khai thác các tài nguyên trang trại, nông thôn. Tùy theo từng vùng miền, khu vực hoặc địa điểm tổ chức mà các sản phẩm và dịch vụ của du lịch nông nghiệp cũng khác nhau. Tuy nhiên, mục đích chung của Agritourism là đem lại cho du khách những trải nghiệm mới mẻ và bổ ích nhất.

Agritourism: Hướng tới sự phát triển bền vững - Ảnh 1.

Du khách nước ngoài tham gia trải nghiệm bắt cá tại Ninh Bình - Ảnh: Văn Lợi

Sự giao thoa giữa du lịch và nông nghiệp

Nói một cách đơn giản, du lịch nông nghiệp có thể được coi là sự giao thoa giữa du lịch và nông nghiệp. Nói một cách kỹ thuật hơn, du lịch nông nghiệp có thể được định nghĩa là một hình thức doanh nghiệp thương mại liên kết sản xuất và chế biến nông nghiệp với du lịch để thu hút du khách đến trang trại, vùng nông thôn hoặc hoạt động kinh doanh nông nghiệp khác nhằm mục đích giải trí và cung cấp kiến thức nông nghiệp cho du khách trong khi tạo ra thu nhập cho nông dân. Du lịch nông nghiệp mang đến cơ hội duy nhất để kết hợp các khía cạnh của ngành du lịch và nông nghiệp nhằm mang lại một số lợi ích tài chính, giáo dục và xã hội cho khách du lịch, nhà sản xuất và cộng đồng. Nó mang lại cho người sản xuất cơ hội tạo thêm thu nhập và là con đường tiếp thị trực tiếp tới người tiêu dùng. Đồng thời, thúc đẩy ngành du lịch phát triển bằng cách tăng lượng du khách đến một khu vực và thời gian lưu trú của họ. Du lịch nông nghiệp cũng mang lại cho cộng đồng tiềm năng tăng cơ sở thuế địa phương và cơ hội việc làm mới. Ngoài ra, du lịch nông nghiệp còn mang lại cơ hội giáo dục cho công chúng và giúp bảo tồn đất nông nghiệp.

Các ý tưởng thực hiện du lịch nông nghiệp không quá phức tạp mà có thể rất đơn giản nhờ dựa trên những sản phẩm của trang trại, nhà vườn hay chợ nông sản. Vì thế, những trải nghiệm của du khách cũng trở nên thoải mái và gần gũi với đời sống hơn, nhưng lại tràn ngập sự hấp dẫn. Du lịch nông nghiệp đem đến cho du khách cơ hội được khám phá những điều mới mẻ, khác lạ. Các gia đình, đoàn đội có thể nhận được những trải nghiệm đáng nhớ và độc đáo. Tham gia các chuyến du lịch nông nghiệp, du khách đắm chìm trong sự trong lành và tuyệt đẹp của thiên nhiên, thoát khỏi những lo lắng, bộn bề trong cuộc sống bận rộn. Họ bớt căng thẳng, trở nên thoải mái và thư giãn hơn. Thông qua các trải nghiệm ở các làng quê, du khách đón nhận nhiều văn hóa mới, cơ hội thưởng thức ẩm thực, học hỏi các kiến thức mới và bổ ích. Du khách có thể tiếp nhận nhiều thông tin hay liên quan đến quá trình sản xuất và phát triển nông nghiệp.

Agritourism: Hướng tới sự phát triển bền vững - Ảnh 2.

Du khách nước ngoài tại Ninh Bình - Ảnh: Nguyễn Minh

Những trải nghiệm độc đáo ở châu Âu

Trên thế giới, có rất nhiều công ty chuyên khai thác các tour du lịch nông nghiệp. Họ nhanh nhạy khi xây dựng các tour gắn với đặc sản của vùng, miền để du khách có những trải nghiệm độc đáo khi tham gia các hoạt động nông nghiệp cùng người dân địa phương. Hầu hết các nước châu Âu đều có những tour như: hái nho, hái ô liu, tham quan trang trại nuôi ong, tìm hiểu các công đoạn sản xuất rượu vang, sâm panh… Ngoài ra, ở từng nước sẽ có những tour gắn với sản vật của quốc gia đó. Ví dụ như nếu bạn muốn đến Pháp, sẽ có những tour như: Săn nấm truffle ở Provence (tìm hiểu cách trồng và nhận biết, cách làm sạch, bảo quản và nấu nấm truffle – loại thực phẩm được coi là "vàng đen" của Pháp), Trải nghiệm tại trang trại lạc đà Llama, Trải nghiệm nuôi dê với nông dân địa phương, Tham quan vùng nuôi ong ở Provence… Mỗi chuyến đi sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức bổ ích về sản vật của nơi bạn chọn đến. Đồng thời, bạn cũng có những trải nghiệm đặc biệt khi tham gia các hoạt động tại các trang trại như: tham gia vắt sữa dê, dắt dê ra đồng, chăm sóc dê non, lấy mật ong, hái ô liu, nho và dự các buổi tiệc với các món chế biến từ những sản vật địa phương. Ở Italia, các công ty du lịch còn khai thác các tour trải nghiệm tại các xưởng chế biến pho mai, làm pasta và pizza, hái và chế biến safron – những yếu tố mang đậm bản sắc văn hóa của người Italia. Tây Ban Nha lại cung cấp cho du khách trải nghiệm đặc biệt như tham quan trang trại trồng cam để tìm hiểu về cách trồng cam truyền thống, so sánh nó với các kỹ thuật hiện đại nhất, lịch sử của nó, hệ thống trồng trọt, cắt tỉa, tưới nước, ghép cành…; khám phá trang trại chăn nuôi bò tót và ghé thăm trường đấu bò tót để quan sát các đấu sĩ luyện tập.

Agritourism: Hướng tới sự phát triển bền vững - Ảnh 3.

Trải nghiệm nuôi ong tại Tuscany - Ảnh: Farm Experience Tour

Hướng đi mới cho du lịch Việt

 Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, với nhiều loại hình nông thôn, là nơi lý tưởng để tổ chức các tour du lịch nông nghiệp. Di sản văn hóa phong phú gắn liền với truyền thống trồng lúa và các vườn cây ăn trái bạt ngàn đang tạo tiền đề cho loại hình du lịch này phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Việt Nam đã chứng kiến làn sóng du lịch nông nghiệp tăng vọt trong thời gian gần đây. Các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức và cá nhân đã và đang đầu tư khai thác yếu tố nông nghiệp nhằm phát triển những sản phẩm du lịch đậm đà bản sắc văn hóa, đáp ứng thị hiếu của du khách.

Agritourism: Hướng tới sự phát triển bền vững - Ảnh 4.

Du khách phương Tây trải nghiệm tát nước gầu dây tại Ninh Bình - Ảnh: Văn Lợi

Ninh Bình là một trong những địa phương chú trọng đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch này và đó là một trong những yếu tố giúp nơi này trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. Ninh Bình là địa phương có địa hình đa dạng, từ đồi núi, đồng bằng đến ven biển, có nhiều không gian của cư dân nông nghiệp, nông thôn gắn với cuộc sống ruộng đồng, gắn với hình thức canh tác và sinh kế của người dân. Đó là yếu tố hấp dẫn du khách muốn tìm hiểu đời sống nông thôn. Hiểu được mong muốn của khách nước ngoài là tìm đến những gì hoang sơ, đơn giản nhất của người Việt, ông Cao Kim Kiên, chủ cơ sở du lịch nông thôn Hang Trâu (Hoa Lư, Ninh Bình) đã có ý tưởng phát triển loại hình du lịch nông nghiệp - nông thôn ở Tam Cốc, đồng thời sáng tạo thêm những sản phẩm mới như đạp xe, đi bộ, trải nghiệm chăn trâu, cưỡi trâu, bắt cá, cấy lúa và học nấu những món ăn truyền thống của người dân nông thôn đồng bằng Bắc Bộ… Ngoài ra, du khách nước ngoài đến Ninh Bình rất háo hức tham gia các hoạt động như: tát nước gầu dây, phơi lúa, mò cua bắt cá, ngồi xe bò, thêu thùa…

Agritourism: Hướng tới sự phát triển bền vững - Ảnh 5.

Du khách nước ngoài học thêu tại làng nghề ở Ninh Bình - Ảnh: Văn Lợi

Với điều kiện đa dạng về hệ sinh thái tự nhiên và văn hóa, kết nối được với các địa phương trong cả nước, Hà Nội có tiềm năng, lợi thế, bước đầu khai thác, phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, tạo nên những sản phẩm đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn, thu hút du khách gần xa đến khám phá, trải nghiệm. Đến nay, Hà Nội đã công nhận 7 điểm du lịch ở khu vực ngoại thành gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái. Các điểm đến du lịch nông nghiệp ở Hà Nội đã có sự quan tâm, đầu tư, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Các huyện ngoại thành của Hà Nội còn có nhiều mô hình khai thác thế mạnh của nông nghiệp nông thôn, ở các địa phương này đều có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, diện tích rộng, nhiều sản vật địa phương và vẫn tồn tại các làng nông nghiệp lâu đời, tạo nên những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như hoa hồng, các loại rau màu của Mê Linh, các loại rau, ổi Đông Dư (huyện Gia Lâm), cây ăn trái như ổi, nho, táo, bưởi, cam ở huyện Hoài Đức, các loại hoa quả ở các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Ứng Hòa…

Số lượng du khách đến với loại hình du lịch nông nghiệp cũng gia tăng đáng kể ở nhiều địa phương khác. Xu hướng du lịch nông nghiệp được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng để giúp con người có thêm ý thức bảo vệ môi trường cũng như nâng cao chất lượng sống xanh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước