Lâu nay vẫn tồn tại tình trạng trộn kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi với mục đích kích thích sinh trưởng và phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi. Tuy nhiên, việc này dẫn đến hiện tượng tồn dư kháng sinh trong thực phẩm, gây nguy hiểm cho người dùng.
Nhờ các giải pháp mạnh tay của ngành chức năng, tình trạng này đang giảm dần. Từ đầu năm 2018, Việt Nam đã cấm sử dụng các loại kháng sinh cho mục đích sinh trưởng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và chỉ cho phép sử dụng trong sản xuất con giống. Đặc biệt, theo lộ trình đến năm 2020, Việt Nam sẽ dừng hẳn việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Quy định trên nhằm kiểm soát dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi và hướng đến mục đích xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, theo một số chủ trại ở thôn Như Kiều, xã Quốc Tuấn, huyện An Dương, Hải Phòng, thực tế nhiều loại thức ăn chăn nuôi chứa tỷ lệ kháng sinh rất thấp hoặc không trộn bất cứ loại kháng sinh nào trong sản phẩm đã khiến đàn vật nuôi chậm lớn. Khoảng 1/5 đàn dễ mắc bệnh và khi mắc bệnh thì khó điều trị.
Nguyên nhân tình trạng đàn nuôi giảm sinh trưởng, giảm sức đề kháng là do lâu nay vật nuôi đã quen ăn thức ăn trộn kháng sinh kích thích sinh trưởng. Trong video trên, chuyên gia của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi hạn chế tối đa việc dùng kháng sinh mà đàn vật nuôi vẫn khỏe mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!