Bắc Giang là mảnh đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi tạo nên nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Đây cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với lịch sử lâu đời, nhiều làng nghề truyền thống độc đáo, các lễ hội đậm đà tính nhân văn, cùng nhiều sản vật ngon nổi tiếng. Nhưng nhắc đến Bắc Giang, đến Tây Yên Tử không thể không nói đến vẻ đẹp văn hóa tâm linh của nơi đây, đặc biệt là chùa Vĩnh Nghiêm, nơi được coi là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm.
Chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng vào thời Vua Lý Thái Tổ (1009 – 1028) với tên gọi là Chúc Thánh. Đến thời Vua Trần Nhân Tông (1278 – 1293), chùa được mở mang, trùng tu lại và đổi tên thành Vĩnh Nghiêm. Cuối thế kỷ 19, chùa thuộc địa phận thôn Đức La nên nhân dân trong vùng còn gọi là chùa La hay chùa Đức La.
Chùa từng là nơi thuyết pháp của Trúc Lâm Tam Tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) và là nơi đào tạo, định chức danh cho các tăng sĩ thời Trần. Nơi đây được coi là chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm, có vị trí đặc biệt trong lịch sử Phật giáo thời Trần nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.
Nằm trên một quả đồi thấp, sau lưng là dãy núi Cô Tiên, mặt hướng ra nơi tụ hội của sông Thương và sông Lục Nam, chùa Vĩnh Nghiêm có tổng diện tích khoảng 10.000m² với lối kiến trúc đăng đối, cân xứng, hài hòa, bao gồm 5 tổ hợp chính là: Tam quan, Tam bảo, Nhà Tổ đệ nhất, gác chuông và Nhà Tổ đệ nhị.
Đặc biệt, chùa Vĩnh Nghiêm là nơi lưu giữ kho mộc bản với 3.050 bản ván khắc, trong đó hầu hết là kinh, sách, luật giới nhà Phật, trước tác của Tam thế tổ và một số vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử (thơ, phú, nhật ký...). Bộ mộc bản được khắc bằng chữ án và chữ Nôm không chỉ là tác phẩm thư pháp nghệ thuật tuyệt mỹ mà còn hàm chứa những giá trị tư tưởng, giáo lý sâu sắc của Phật phái Trúc Lâm, đồng thời đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Nôm qua các thời đại.
Ngày 16/5/2012, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Không chỉ nổi bật với công trình kiến trúc đồ sộ, chùa Vĩnh Nghiêm còn được biết đến bởi các giá trị điêu khắc tinh tế, điêu luyện thể hiện qua hệ thống tượng Phật sắp xếp bài bản ở 3 khối nhà chính: Tam bảo, Nhà Tổ đệ nhất và Nhà Tổ đệ nhị. Ngoài ra, chùa còn có nhiều bức hoành phi - câu đối; hệ thống văn bia với 8 tấm ghi lại toàn bộ tiến trình lịch sử và phát triển của Trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm…
Lễ hội Vĩnh Nghiêm được tổ chức hàng năm tại chùa Vĩnh Nghiêm. Đây là một lễ hội lớn trong vùng, một sự thể hiện về ảnh hưởng to lớn của Phật giáo trong đời sống xã hội, đồng thời nó cũng biểu hiện tình cảm, sự sùng bái của nhân dân trong thôn xã đối với các vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm: Trần Nhân Tông – một vị vua anh hùng, một nhà sư, một người đứng đầu giáo hội, cùng với Pháp Loa và Huyền Quang – những vị sư uyên bác.
Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức vào ngày 14/2 âm lịch hàng năm, phù hợp với thời tiết mùa xuân, hợp mùa lễ hội. Ngày nay, các nhà sư gọi là ngày giỗ tổ chùa. Do là ngày giỗ tổ chùa nên tính chất lễ hội ít mà tính chất lễ giỗ nhiều hơn.
Có thể thấy được vị trí và vai trò của chùa Vĩnh Nghiêm trong tiến trình phát triển của Phật giáo ở Việt Nam. Cùng với những giá trị về lịch sử tiêu biểu, chùa Vĩnh Nghiêm còn là nơi lưu giữ hệ thống Mộc Bản – Di sản tư liệu thế giới – khu vực châu Á Thái Bình Dương. Chính vì vậy, muốn bảo tồn, phát huy những giá trị của ngôi chùa cần thiết phải có những nghiên cứu chuyên sâu nhằm quy hoạch và tu bổ, xây dựng các tour du lịch liên quan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!