Ngồi một chỗ, viết bài, làm toán trong thời gian dài là thử thách với nhiều trẻ khi bước vào lớp 1. Đang quen được chăm sóc, vui chơi, phải chuyển sang môi trường học tập, có kỷ luật, không ít trẻ đã rơi vào trạng thái lo âu, hoảng sợ, ảnh hưởng tới tâm lý và kết quả học tập của trẻ.
Giai đoạn chuyển từ mầm non sang lớp 1 là một bước chuyển lớn đối với trẻ. Việc thay đổi thói quen cũng như môi trường khiến nhiều trẻ bỡ ngỡ và gặp không ít khó khăn khi bước vào lớp 1. Vì vậy để việc chuẩn bị tâm lí và kĩ năng cho trẻ trước khi vào lớp 1 là rất quan trọng.
‘ Thay đổi môi trường học tập, nếu không được chuẩn bị tâm lý tốt sẽ khiến trẻ bỡ ngỡ, lo lắng và sợ hãi. (Ảnh minh họa)
Chương trình Cuộc sống thường ngày, chuyên mục Kỹ năng sống đã mời tới trường quay Tiến sĩ tâm lý Phạm Mạnh Hà nhằm giúp các bậc phụ huynh có những kỹ năng để chuẩn bị tâm lý, giúp trẻ hào hứng và sẵn sàng với môi trường học tập mới trong những năm đầu đời.
Tiến sĩ tâm lý Phạm Mạnh Hà cho biết: Trước bất kỳ một thay đổi nào, nếu được chuẩn bị tâm lý một cách tốt nhất sẽ giúp cho trẻ dễ dàng thích nghi hơn. Tôi nghĩ rằng, việc quan trọng của các bậc phụ huynh là nên định hướng cho con một số kỹ năng cơ bản.
Cha mẹ cần dạy trẻ kỹ năng tập trung, trước đây khi ở nhà trẻ, trẻ rất thoải mái, làm theo những điều mình thích. Tuy nhiên, khi trẻ đã bước vào học lớp 1, trẻ buộc phải ngồi yên một chỗ và học tập một cách nghiêm túc. Chính vì những thay đổi này, khi ở nhà, phụ huynh nên dành mỗi ngày 30 phút để chơi với trẻ một hoạt động nào đó, giúp trẻ có kỹ năng tập trung và công việc và kiên trì với công việc đó, đây là cách giúp trẻ có thể thích nghi với việc học tập.
‘ Cha mẹ cần chuẩn bị tốt nhất tâm lý cho trẻ, để năm học đầu tiên trở thành kỷ niệm đầy thú vị và hạnh phúc đối với trẻ. (Ảnh minh họa)
Đối với những trẻ có phản ứng lại với việc học tập, cha mẹ không nên lo lắng do đây là điều hết sức bình thường, do khi đang được chơi quen, trẻ phải làm theo người khác thì trẻ sẽ không thích. Lúc này, cha mẹ cần sự kiên nhẫn, việc bắt buộc, nạt trẻ như: “Con phải làm”, “Nếu không làm được sẽ bị ăn đòn” “Cô sẽ phạt”… sẽ khiến trẻ sẽ làm trong sợ hãi và chống đối bằng những cách khác nhau. Cha mẹ nếu cùng tập tô, làm toán với trẻ sẽ khiến trẻ xóa bỏ được những khó khăn về mặt tâm lý, vui vẻ với việc học tập.
Bên cạnh đó, những ngày cuối tuần, cha mẹ có thể đưa con tới trường trước để trẻ có thể biết trước được lớp, chỗ ngồi, chỗ chơi… cha mẹ sẽ kết hợp để hướng dẫn và nói trước cho trẻ những hoạt động sẽ diễn ra như: “Con sẽ học ở đây, khi học cần ngồi ngoan và chú ý nghe giảng”, “Học bài cần phải kiên trì”, “Khi học xong con sẽ cùng với các bạn ra sân trường vui chơi”, “Được gặp gỡ bạn bè”… Những sự chuẩn bị trước về mặt tâm lý sẽ giúp trẻ có được những kiến thức ban đầu và không bỡ ngỡ mà nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới.
Mời quý vị và các bạn theo dõi Video tư vấn của Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà.