Chung tay bảo vệ loài Hổ

PV-Thứ sáu, ngày 25/07/2014 18:29 GMT+7

Ngày quốc tế về Hổ (29/7) được tổ chức tại Việt Nam năm nay là lần thứ 4 chúng ta tiến hành các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về việc bảo vệ loài vật đang bên bờ tuyệt chủng này.

Hổ Việt Nam đứng trên bờ tuyệt chủng

Theo ước tính của các nhà khoa học, kể từ năm 1900 đến nay, quần thể hổ trên thế giới đã giảm đến 95%. Nếu như trước đây, loài hổ sinh sống suốt từ Đông Pakistan, khắp vùng Đông Nam Á, cho đến các khu rừng Bắc Siberi thì ngày nay, chúng chỉ còn tồn tại rải rác trên khoảng 7% lãnh thổ mà trước kia từng sống.

Có 3 trong tổng số 9 loại hổ đã vĩnh viễn biến biến mất. Theo liên minh bảo tồn hổ quốc tế, chỉ tính riêng trong vòng 15 năm qua, quần thể hổ ở những quốc gia có hổ phân bố đã giảm đi nhanh chóng, từ 10.000 cá thể xuống còn khoảng 3.500 cá thể hổ hoang dã trên toàn cầu, trong đó được phân bố chủ yếu ở tại Ấn Độ.

Tại Việt Nam, nếu như trước nhưng năm 1960 có hàng nghìn cá thể hổ Đông Dương sinh sống trong các rừng rậm, đặc biệt dọc theo dãy Trường Sơn, vùng giáp ranh giữa Lào và Việt Nam thì cho đến nay theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), hiện cả nước chỉ còn 95 cá thể hổ đang được nuôi nhốt trong các trang trại, vườn thú và rạp xiếc. Còn ngoài tự nhiên, theo báo cáo quốc gia về bảo tồn hổ năm 2009 hiện chỉ còn không quá 50 cá thể hổ ở sâu trong các cánh rừng từ Bắc vào Nam.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, số liệu này cũng chỉ là ước đoán và con số trên thực tế có thể còn thấp hơn nhiều. Có thể nói, ngoài việc loài hổ đã mất sinh cảnh sống thì còn một nguyên nhân quan trọng khác là do tình trạng săn bắn trái phép, nạn buôn lậu hổ và các bộ phận cơ thể của hổ. Việt Nam hiện được nhìn nhận như là một thị trường nóng về buôn bán hổ trái phép.

Cao hổ và rượu ngâm từ các bộ phận của hổ đang ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt là đối với giới nhà giàu và quan chức, do những công dụng được cho là có thể chữa bệnh mặc dù chưa được y học kiểm chứng một cách chính thức.

Mặc dù Việt Nam đã có những quy định chống săn bắn hổ từ năm 1963 (Nghị định 39/CP), đến năm 1992 đã đưa hổ vào nhóm 1B (Nghị định 18/HĐBT) - nhóm các động vật nguy cấp thế nhưng quần thể hổ ở nước ta vẫn suy giảm vì nạn săn bắn và nhu cầu tiêu dùng của xã hội không hề giảm. Thêm vào đó, điều kiện vật chất có hạn việc triển khai các hoạt động bảo tồn còn hạn chế, hiệu quả của công tác bảo tồn chưa đáng kể và đến nay, chúng ta vẫn chưa xây dựng được một khu bảo tồn riêng dành cho loài hổ. Điều này đang thực sự đẩy loài hổ của Việt Nam đứng bên bờ của sự tuyệt chủng.

Ngày quốc tế hổ

Lần đầu tiên Việt Nam hưởng ứng ngày Quốc tế hổ (29/7) là năm 2011 với nhiều hoạt động sôi nổi do Tổng cục Môi trường tổ chức với hỗ trợ của WWF, TRAFFIC và Sáng kiến Hổ Toàn cầu (GTI) - một liên minh các chính phủ, các cơ quan quốc tế, và khu vực tư nhân cùng nhau hợp tác để bảo vệ Hổ khỏi sự tuyệt chủng.

Từ đó đến nay, Việt Nam luôn tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn loài hổ. Việt Nam cũng đã đăng cai hội nghị thảo luận về việc triển khai chương trình tăng số lượng hổ toàn cầu tự nhiên với sự tham gia của 13 quốc gia có hổ sinh sống.

Ngoài những hoạt động tuyên truyền, pháp luật của Việt Nam cũng dành nhiều điều khoản để bảo vệ loài hổ. Loài hổ được bảo vệ trong nhóm IB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP ban hành ngày 30/3/2006.

Theo đó, các hành vi săn bắt, sở hữu, buôn bán, quảng cáo hay tiêu thụ hổ và các sản phẩm có nguồn gốc từ hổ đều bị nghiêm cấm. Những người tham gia vào các hoạt động trái phép liên quan đến hổ đều bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Ngoài ra theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự Số 37/2009/QH12 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2010), hình phạt có thể lên tới 7 năm tù và mức phạt hành chính tối đa là 500 triệu đồng đối với các vi phạm liên quan tới hổ cũng như các loài khác thuộc nhóm IB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP.

Đáng chú ý trong việc bảo tồn loài hổ là kế hoạch tổng thể nhằm nhân đôi số lượng hổ tự nhiên từ nay cho đến năm 2022. Theo đó Chính phủ đã yêu cầu các Bộ ngành Trung ương và UBND các tỉnh - thành phố tập trung xác lập khu vực ưu tiên bảo tồn hổ.

Việc này sẽ được lồng ghép với các nội dung trong Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học hướng đến xây dựng các hành lang bảo tồn sinh cảnh sống của hổ trong tự nhiên, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn và hạn chế những hành động gây tác động tiêu cực đến khu vực sinh sống của hổ. Tuy nhiên, song song với việc bảo tồn các cá thể hổ trong tự nhiên, một yêu cầu cấp thiết cần đặt ra đó là phải kiểm soát được nạn săn bắn hổ trái phép và nhu cầu tiêu dùng. Để làm được điều này đòi hỏi cần phải có sự chung tay của toàn xã hội.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước