Đó là nhận định của Michel Mayor, nhà vật lý thiên văn, người đồng nhận giải thưởng về Vật lý năm nay nhờ khám phá ra hành tinh đầu tiên quay xung quanh một ngôi sao giống mặt trời nằm ngoài hệ mặt trời của chúng ta.
Ông nói "Nếu chúng ta bàn luận về các ngoại hành tinh, cần phải làm rõ rằng: Chúng ta sẽ không di cư đến đó đâu." Ông cảm thấy cần "phải tiêu diệt" tất cả các tuyên bố nói rằng "OK, chúng ta sẽ đến một hành tinh có thể sống được khác nếu một ngày nào đó không còn sống ở trên Trái Đất được nữa."
Tất cả các ngoại hành tinh đã được biết đến hoặc các hành tinh nằm ngoài hệ mặt trời đều nằm ở những vị trí quá xa, không thể di chuyển đến được. "Thậm chí trong trường hợp lạc quan là có một hành tinh có thể sinh sống được, nằm cách chúng ta không quá xa, chỉ vài chục năm ánh sáng, ngay gần khu chúng ta sinh sống thì thời gian để di chuyển đến được đó cũng là rất lớn."
Một nửa giải Nobel năm nay thuộc về Mayor và Didier Queloz vì đã phát hiện ra ngoại hành tinh đầu tiên vào tháng 10 năm 1995. Sử dụng những thiết bị tối tân ở Đài Quan sát Haute-Provence miền Nam nước Pháp, họ đã phát hiện ra một tinh cầu khổng lồ có chứa khí gas tương tự như Sao Mộc và đặt tên là 51 Pegasi b. (Nửa còn lại của giải thưởng Nobel được trao cho James Peebles của Đại học Princeton với công trình về vật chất tối và năng lượng tối.)
Kể từ phát hiện đó, đã có hơn 4.000 ngoại hành tinh khác được tìm thấy trong dải Ngân hà, nhưng rõ ràng, không một hành tinh nào trong số đó có vẻ khả thi để di chuyển đến được.
Stephen Kane, giáo sư vật lý thiên văn hành tinh của Đại học California – Riverside, đồng ý với quan điểm của Mayor. "Thực tế đáng buồn là, ở thời điểm hiện tại của lịch sử loài người, tất cả các ngôi sao đều đang tồn tại ở khoảng cách vô tận. Chúng ta đã phải cố gắng rất nhiều mới có thể đặt chân lên mặt trăng của Trái Đất."
Ông cũng cho biết thêm "Chúng ta có thể đưa người lên sao Hỏa trong 50 năm tới nhưng tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu loài người có thể đi vào quỹ đạo của sao Mộc trong vài thế kỷ tới đấy." Vì khoảng cách đến ngôi sao ngoài hệ mặt trời gần nhất lớn hơn khoảng 70.000 lần so với khoảng cách đến sao Mộc, "tất cả các ngôi sao đều nằm ngoài tầm với".
Có thể bạn sẽ phản đối và nói rằng chẳng phải có bao nhiêu thứ nằm ngoài tầm với mà chúng ta cuối cùng vẫn đạt được đó sao, những chuyến bay xuyên lục địa chẳng hạn. Nhưng "trong trường hợp này, nguyên lý vật lý cần thiết để đến được một ngôi sao, nếu nó thật sự tồn tại, còn quá mơ hồ với chúng ta và đòi hỏi một sự thay đổi cơ bản trong hiểu biết của chúng ta về mối quan hệ giữa khối lượng, gia tốc và năng lượng."
"Chúng ta vẫn đứng đây, vững chắc trên Trái Đất và không thể thay đổi trong khoảng thời gian rất, rất dài nữa."
Mayor nói "Chúng ta cần phải quan tâm đến hành tinh của chúng ta. Nó rất đẹp và vẫn còn có thể sống được."
Andrew Fraknoi, chủ tịch danh dự của khoa thiên văn học, Đại học Foothill – California, cũng đồng tình rằng chúng ta sẽ không thể du hành đến những ngôi sao trong tương lai gần. Nhưng ông cũng nói "Tôi sẽ không bao giờ khẳng định chúng ta sẽ không bao giờ có thể chạm tới các ngôi sao và đến được các hành tinh có khả năng sinh sống khác. Ai có thể biết được công nghệ của chúng ta sẽ phát triển như thế nào sau hàng triệu năm nữa chứ".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!