Bi kịch hóa trong suy nghĩ
Reena Patel, nhà tâm lý học, cho biết: “Bi kịch hóa thường theo một khuôn mẫu nhất định”. Ví dụ điển hình của khuôn mẫu này bắt đầu với việc bạn có một ý tưởng và ngay lập tức sau đó nghĩ đến kết quả tồi tệ nhất.
Một số ví dụ chi tiết khác về kiểu suy nghĩ bi kịch hóa là: “Nếu tôi trượt bài kiểm tra này, tôi sẽ không bao giờ đậu trường tôi yêu thích”, “Nếu tôi ly hôn, tôi sẽ không bao giờ tìm được ai khác”.
Bi kịch hóa dựa trên nỗi sợ
Morgan Pommells, nhà trị liệu chấn thương, cho rằng bi kịch hóa thể hiện dưới dạng một suy nghĩ đáng sợ hoặc lo lắng quá mức có thể dẫn đến mọi việc vượt ngoài tầm kiểm soát. “Bạn càng nghĩ về nó, nó càng trở nên đáng sợ”, cô nói thêm.
Những người bi kịch hóa thường nghĩ rằng kết quả tiêu cực sẽ xảy ra. Pommells gọi nó là "dự báo tiêu cực".
Bi kịch hóa có thể bắt nguồn từ chấn thương
Pommells nói: “Thông thường, những người bi kịch hóa có thể đã trải qua sự việc đau buồn, những cú sốc trong quá khứ khiến tâm lý của họ bị ảnh hưởng. Suy nghĩ bi kịch hóa là cách cơ thể báo hiệu về một mối nguy hiểm tiềm ẩn, là một cơ chế sinh tồn giúp giữ bạn an toàn”.
Tuy nhiên, hệ thống cảnh báo này cũng có thể “đánh lạc hướng mối đe dọa”, gây ra nhiều vấn đề trong cuộc sống, Pommells cho biết thêm.
Khi nhận thấy mình đang dần trở nên bi kịch hóa, Patel khuyên rằng bạn nên nói to “dừng lại”, “không”, “đủ rồi”. “Những từ này có thể phá vỡ và thay đổi hướng suy nghĩ của bạn,” cô nói.
Sau đây là những phương hướng khác để ngăn chặn bi kịch hóa.
1. Tự hỏi bản thân
"Nếu như mọi chuyện suôn sẻ thì sao?", “Làm thế nào để biết điều này là đúng?”. Pommells nói: “Khi bạn tự hỏi bản thân những câu hỏi như vậy, những suy nghĩ tiêu cực, bi kịch hóa sẽ dần biến mất”.
2. Nghĩ tới kết quả tích cực
Patel nói: “Thay vì chỉ nghĩ về một kết quả tiêu cực, bạn hãy cố gắng tập trung vào một kết quả tích cực hoặc một lựa chọn ít tiêu cực hơn”. Ví dụ. thay vì nghĩ rằng bạn sẽ bị đuổi học vì trượt bài kiểm tra, hãy nghĩ tới xem liệu giáo viên có thể cho bạn thêm một cơ hội khác hay không.
3. Kiên nhẫn với bản thân
Patel nói: “Những người bi kịch hóa nên biết rằng trường hợp xấu nhất không phải lúc nào cũng xảy ra”. Thường xuyên suy nghĩ tích cực và nhắc nhở bản thân rằng bạn có thể làm được giúp bạn giảm bớt những suy nghĩ tiêu cực.
4. Cách hỗ trợ người bi kịch hóa
Pommells nói rằng, những lời khuyên như “mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi” hoặc “đừng nghĩ tới nó nữa” có thể sẽ không giúp được họ. Thay vào đó, Pommells khuyên mọi người nên thử nói: “Tôi cảm nhận được sự khó khăn của bạn, hãy tiếp tục chia sẻ. Tôi ở đây vì bạn”.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!