Du lịch văn hóa lịch sử sông Kỳ Cùng khởi động lại sau đại dịch

Nguyễn Nga, Mạnh Hùng-Thứ ba, ngày 22/03/2022 22:03 GMT+7

VTV.vn - Những di sản gắn với dòng sông Kỳ Cùng đã, đang được gìn giữ, bảo tồn và không ngừng phát triển góp phần làm giàu đẹp bản sắc văn hoá xứ Lạng.

Trong bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam, Lạng Sơn được du khách biết đến là vùng đất có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời, có nhiều đồng bào dân tộc chung sống, sở hữu một kho tàng di sản văn hóa phong phú.

Theo thống kê, Lạng Sơn có gần 400 di tích, trong đó có hơn 130 di tích đã được xếp hạng các cấp. Sau 2 năm vắng bóng du khách do dịch bệnh COVID-19, đầu năm nay, du khách đã bắt đầu quay trở lại với Lạng Sơn để khám phá về vùng đất, con người nơi đây.

Lạng Sơn - Vùng đất của những địa danh đã đi vào trong thơ ca như: Phố Kỳ Lừa, sông Kỳ Cùng, đền Kỳ Cùng, chùa Thành, chùa Tam Thanh… Với hệ thống di tích, văn hoá, lịch sử độc đáo, Lạng Sơn trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong những tháng đầu năm.

"Đầu năm chúng tôi đều tổ chức đi lễ ở Lạng Sơn. Đi lễ ở đây chúng tôi rất thích. Mỗi lần đi lễ xong chúng tôi cảm thấy tâm hồn thư thái, nhất là người già chúng tôi người ta thường nói là trẻ vui nhà, già vui chùa. Hơn nữa ở Lạng Sơn có dòng sông Kỳ Cùng rất đẹp, tôi thích lắm, cứ đứng ngắm mãi dòng sông này", một du khách tại thành phố Hà Nội cho biết.

Không chỉ mang trong mình những ý nghĩa quan trọng về văn hoá - kinh tế - xã hội, sông Kỳ Cùng còn được ví như "dòng sông di sản" bởi gắn với những di tích độc đáo. Kỳ Cùng cũng được biết đến là dòng sông chảy ngược.

Du lịch văn hóa lịch sử sông Kỳ Cùng khởi động lại sau đại dịch - Ảnh 1.

Tiến sĩ Hoàng Văn Páo - Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: "Theo lẽ tự nhiên, tất cả các con sông ở Việt Nam đều chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam nhưng con sông này lại chảy ngược lại tức là Đông Nam - Tây Bắc. Con sông này dài trên 240km, xuất phát từ xóm Bắc Xa, xã Bắc Xa huyện Đình Lập. Điểm cuối cùng của nó là Bình Nghi, giờ là cửa khẩu Bình Nghi mà phía bên Trung Quốc gọi là Bình Nhi. Nơi tôi đang đứng đây là Bờ Nam sông Kỳ Cùng, đây là một quần thể di tích. Đặc biệt thời phong kiến, nơi đây là nơi xứ thần 2 nước qua lại. Một ý nghĩa quan trọng nữa là con sông này đầy ắp văn hoá, từ Lộc Bình cho đến Bình Độ của huyện Tràng Định, có rất nhiều lễ hội như lễ hội Vằng Khắc, lễ hội Kỳ Cùng Tả Phủ...".

Sau 2 năm vắng bóng lễ hội, đầu năm 2022 vừa qua, một số hoạt động đã được tái khởi động để giữ gìn nét đẹp văn hoá, kích cầu du lịch địa phương.

Ông Phan Văn Hòa - Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Trong khuôn khổ tuần lễ Văn hoá - Thể thao và Du lịch từ 22 tháng Giêng đến 27 tháng Giêng, chúng tôi có 1 nghi lễ là rước kiệu của ngài Quan Lớn Tuần Tranh để lên thăm ngài Thân Công Tài ở Tả Phủ và đến 27 tháng Giêng thì chúng tôi lại rước quay lại đền Kỳ Cùng. Chúng tôi mong muốn cùng với cả nước mở cửa du lịch để đón du khách trong và ngoài nước về với Lạng Sơn cũng như Việt Nam của chúng ta".

Thích ứng an toàn, đón khách nhưng vẫn đảm bảo phòng dịch COVID-19. Những di sản gắn với dòng sông Kỳ Cùng đã và đang được gìn giữ, bảo tồn và không ngừng phát triển góp phần làm giàu đẹp bản sắc văn hoá xứ Lạng.

Quy hoạch bến Bạch Đằng: Cần hài hòa văn hóa lịch sử và kinh tế sông nước Quy hoạch bến Bạch Đằng: Cần hài hòa văn hóa lịch sử và kinh tế sông nước

VTV.vn - Bến Bạch Đằng là một bến sông sầm uất, biểu trưng cho tính chất đô thị sông nước ‘trên bến dưới thuyền’ của TP Hồ Chí Minh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước