Từ xa xưa, rượu đã trở thành thứ không thể thiếu trong mỗi cuộc vui, ngày hội, đám lễ không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong văn hóa ẩm thực, rượu cũng là thức uống tinh tế đầy mỹ vị. Có thể nói, rượu vốn là một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam, tuy nhiên, tình trạng lạm dụng rượu và các chất có cồn khác đang khiến nét đẹp này trở nên biến tướng. Cùng gặp gỡ TS.Nguyễn Nhã - nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam, sáng lập viên Trường Đại học Dân lập Hùng Vương, Trưởng Đề án Bếp Việt (tiền thân là Viện Nghiên cứu Ẩm thực Việt Nam) để trò chuyện về văn hóa sử dụng rượu của người Việt Nam từ xưa đến nay.
Thưa TS Nguyễn Nhã, từ xa xưa, rượu đã trở thành thứ không thể thiếu trong mỗi cuộc vui, ngày hội, đám lễ không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Theo ông, việc uống rượu trong văn hóa Việt Nam có phải là một nét đẹp về ẩm thực?
- Các cụ ngày xưa thường nói: "Nam vô tửu như kỳ vô phong". Tức có nghĩa rượu khiến kẻ nam nhi đẹp như cờ gặp gió; chứ cờ không gió thì đâu có tung bay phất phới được. Việt Nam mình ở vùng văn hóa lúa nước, rượu trắng từ lúa gạo cũng như nước lã, luôn được cúng Tổ tiên, thần thánh và dĩ nhiên người dự được uống hưởng lộc. Ở những người còn trẻ, nhất là với con gái, mọi người đều mong có ngày được uống rượu nên luôn được hỏi "bao giờ cho uống rượu" tức là bao giờ lập gia đình. Như vậy, có thể thấy rượu theo truyền thống là nước uống rất được trân trọng, mong có dịp thưởng thức. Còn những người thường xuyên uống có khi uống rượu để tiêu sầu, có những người không còn sức lao động mà nghiện rượu nữa thì đây là thành phần không được xã hội tôn trọng và rất ít ỏi trong xã hội.
Ngoài rượu trắng có độ cồn cao, tức rượu mạnh thì miền Bắc nổi tiếng với rượu làng Vân; miền Trung có rượu Bầu Đá, miền Nam có rượu Gò Đen, Việt Nam còn có nhiều loại rượu khác như rượu Cần của các dân tộc Mường, Tây Nguyên; rượu cái, rượu nếp cẩm – bách nhật, đặc biệt là rượu Phú Lễ Ba Tri với loạn men hơn 30 thành phần thảo dược; còn có rượu ngâm thuốc bổ nổi tiếng như rượu Minh Mạng.
Rượu như thế không những là nét đẹp văn hóa trong lễ hội gia đình hay lễ hội ngoài xã hội mà còn là loại hình kinh tế dịch vụ cũng quan trọng trong xã hội, nếu biết khai thác và biết sử dụng.
Cách người xưa uống rượu có khác với bây giờ không thưa TS?
- Khác nhiều lắm. Bây giờ có nhiều loại rượu nhẹ độ từ Phương Tây nhập vào, như rượu vang, một số loại rượu mạnh như wisky, vodka nhưng vẫn không nhiều độ bằng rượu đế ở Việt Nam. Khác ở cả những đối tượng uống rượu, bây giờ cả nam lẫn nữ đều uống, cả người trẻ cũng uống chứ không chỉ những người già.
Bây giờ có quá nhiều nơi uống và nhiều lúc uống. Nếu trước đây chủ yếu là dịp giỗ tết hay lễ hội, thiết đãi mới uống rượu thì bây giờ rượu uống hàng ngày. Trước kia, cao lâu tửu quán còn rất ít, bây giờ có ở hang cùng ngõ hẻm, chỗ nào cũng có quán ăn uống. Trước kia uống bằng chén, tách nhỏ còn bây giờ uống bằng ly, cốc lớn.
Trước đây một số ít người nghiện rượu mới bị bệnh như loét dạ dày hay ung thư cổ họng. Còn bây giờ số người uống rượu nhiều lên dẫn đến những loại bệnh tật khác như bụng to, tiểu đường, ung thư, tim mạch…
Người dân ngày nay có thể tìm mua rượu bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào
TS có cho rằng người Việt hiện tại đang quá lạm dụng rượu bia trong cuộc sống thường ngày khi mà họ lấy rất nhiều cái cớ để có thể ngồi vào bàn nhậu?
- Trong lịch sử ngàn năm nay chưa bao giờ có tình trạng ăn uống tràn lan như hiện nay, trong đó tình trạng uống bia rượu vào hạng cao trên thế giới. Nhiều người cho rằng rượu bia nhẹ độ cồn nhưng lại uống hàng chục chai, hàng két rượu thì chất cồn trong dạ dày không hề ít. Chưa kể đến tính văn hóa đẹp trong cách sử dụng không hề có, nếu không nói thiếu tính văn hóa và rất hại cho sức khỏe. Đó chính là thói xấu, thích hưởng thụ, hoang phí vô độ của một lớp người.
Theo ông, lớp trẻ phải làm gì để thay đổi được thực trạng lạm dụng rượu bia như hiện nay?
- Theo tôi, cần có sự giáo dục từ trong gia đình cũng như ở học đường dành cho lớp trẻ. Ngoài xã hội cũng phải quan tâm đến văn hóa ăn uống, đặc biệt, ở những nơi như công sở thì thủ trưởng phải làm gương cho các nhân viên, mọi người cùng xây dựng một xã hội văn minh hiện đại và giữ bản sắc, hồn dân tộc. Hiện pháp luật cũng đã vào cuộc rất nhiều trong công cuộc chống lại nạn lạm dụng bia rượu, bằng cách như đo nồng độ cồn của các tài xế lái xe; hay mới đây là Dự thảo luật phòng chống tác hại của bia rượu chẳng hạn.
Tôi có sáng tác Thương ca Văn Hóa với 13 văn hóa trong đó có văn hóa ăn, văn hóa mặc, ở, nói, chơi, ứng xử, lễ hội, giao thông và cả văn hóa ước mơ của một dân tộc nữa, nhất là ước mơ Việt Nam trở thành cường quốc trước thế giới.
Bộ Y tế đã dự thảo Luật phòng chống tác hại của bia rượu, trong đó có cấm việc bán bia rượu sau 22h đêm hoặc 24 đêm. Điều này đăng gặp nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận bởi cho rằng sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch khi khách du lịch nước ngoài thường vui chơi vào đêm khuya, không thể cấm bán rượu bia cho khách vào lúc này. Ông có ý kiến như thế nào về điều này?
- Theo tôi, sự phát triển du lịch cũng như sự phát triển kinh tế có nhiều cách. Phải tính tới việc lợi bất cập hại. Khách Tây hay khách ta mà làm cho văn hóa suy đồi thì chắc chắn lợi bất cập hại. Quan tâm đến lợi ích một nhóm nhỏ như thế nào mà làm hại nhiều đến một xã hội thiếu lành mạnh mà hiện nay có nhiều dấu hiệu đạo đức đi xuống, văn hóa thấp kém. Nếu như vậy, chúng ta sẽ phải trả giá không phải là nhỏ.
Xin cảm ơn TS đã chia sẻ!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!