Tam Lâm hay 3 làng Trắm là tên gọi chung 3 làng Phong Lâm, Văn Lâm và Trúc Lâm. Đây chính là quê hương khởi thủy của nghề đóng giày Việt Nam. Sau đó, dân từ 3 làng này tách ra, lập thêm 1 làng mới là làng Nghĩa Hy.
Theo sử sách ghi lại, các vị sư tổ khai sáng nghề là Phạm Quý Công tự Đức Chính, Nguyễn Quý Công tự Sĩ Bân, Phạm Quý Công tự Thuần Chính và Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung. Vào khoảng năm 1484, Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung được vua Lê Thánh Tôn cử đi sứ nhà Minh Trung Quốc để bàn công việc ngoại giao giữa 2 nước. Nhân cơ hội này, ba vị tổ sư đã làm sớ xin nhà vua cho cùng đi tòng sứ cùng để tìm hiểu, học hỏi công nghệ làm giày da đem về nước truyền dạy cho dân và được nhà vua chấp thuận.
Cả 4 làng đều có di tích thờ các vị sư tổ nghề giày da nhằm tưởng nhớ công lao của các ngài.
Khi tới Bắc Thành nay là Thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc, sau khi tìm hiểu thấy nhà họ Lũ có nghề thuộc da, làm giày dép, hài hia nổi tiếng ở đất Hàng Châu, các vị liền xin vào học nghề.
Vốn tư chất thông minh và lòng kiên trì, các vị đã học được cách thức làm nghề. Sau khi hoàn tất việc ngoại giao, các vị về nước và đem những sản phẩm giày dép, hài hia dâng lên nhà vua và được vua hạ chiếu chỉ ban khen, bổ nhiệm vào Bộ Quốc giám. Đồng thời hạ chỉ cho các vị truyền dạy lại nghề cho nhân dân.
Sắc phong được lưu giữ lại.
Nhân dân các làng Phong Lâm, Văn Lâm, Trúc Lâm và Nghĩa Hy là quê hương của các vị nên được truyền nghề đầu tiên. Hiện nay, cả 4 làng đều có di tích thờ các vị sư tổ nghề giày da nhằm tưởng nhớ công lao của các ngài.
Người dân rèn giũa tay nghề để làm ra những sản phẩm ưng ý với mọi đối tượng, lứa tuổi khách hàng.
Theo đuổi nghề làm giầy dép da trên 30 năm, anh Nguyễn Tiến Sơn là một trong những người con của xã Hoàng Diệu luôn đau đáu với nghề.
“Nghề làm giày dép da khá vất vả, đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, có óc thẩm mỹ và thao tác chính xác, nhạy cảm với những mẫu mới, kỹ thuật mới. Không chỉ vậy, để gia công lên đến thành phẩm, sản phẩm giày dép da phải trải qua rất nhiều công đoạn dù là làm thủ công hay bằng máy”, anh Sơn chia sẻ.
Từng đường nét, chi tiết được làm tỉ mỉ.
Bên cạnh sản xuất giày dép, anh Sơn còn mạnh dạn đứng ra bao tiêu, tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm hoặc cung cấp nguyên liệu. Đồng thời, anh còn có sự phân công lao động hợp lý đến từng người, từng công đoạn sản xuất để khiến nghề làm giầy dép da ở Hoàng Diệu ngày càng phát triển.
Là lớp thợ đi trước, để nghề làm giầy dép da không bị mai một, những lớp thợ đi trước ngày ngày truyền đam mê và kinh nghiệm cho thế hệ trẻ.
Là một trong những nghệ nhân của làng, ông Nguyễn Hữu Hoàn nổi tiếng với những sản phẩm giày dép da bền, đẹp, có tính thẩm mỹ cao. Hơn 30 năm gắn bó với nghề truyền thống, với đôi bàn tay khéo léo, ông đã làm nên hàng nghìn đôi giày tiêu thụ khắp các tỉnh thành trên cả nước.
“Để có thể tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng về mẫu mã, những năm gần đây chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư một số thiết bị máy móc hiện đại nhằm tăng năng suất, giảm sức lao động và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, không phải vì thế mà những sản phẩm giầy dép da của Hoàng Diệu mất đi giá trị của mình”, ông Hoàn nói.
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Sản phẩm giày da của làng nghề.
Năm 2004 và 2005 UBND tỉnh Hải Dương đã cấp bằng công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống cho cả 4 làng Phong Lâm, Trúc Lâm, Văn Lâm và Nghĩa Hy. Từ đây đã tạo động lực cho những người con của làng nghề chuyên tâm hơn trong việc lưu giữ và phát triển nghề giầy dép da mà cha ông để lại. Đến nay, làng nghề có hàng trăm hộ gia đình, cơ sở doanh nghiệp tham gia sản xuất giầy da, tạo việc làm cho khoảng 1200 lao động.
Hiện nay, nhiều thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống làng nghề.
Trung bình mỗi năm làng nghề giầy da Hoàng Diệu cung cấp cho các địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa và một số tỉnh miền Trung, miền Nam khoảng 5 triệu đôi giầy dép các loại.
Dù có lúc thăng trầm nhưng người thợ giày da Hoàng Diệu vẫn cần mẫn theo đuổi nghề thủ công truyền thống. Có thể khẳng định sức sống của làng nghề giầy da Hoàng Diệu không chỉ bằng bàn tay, khối óc mà còn bằng cả tình yêu, niềm đam mê và tâm huyết của những người con quê hương với nghề truyền thống của cha ông để lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!